Cần đưa các nguyên tắc cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành khi sửa các luật

Theo bộ Tài chính, kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro; áp dụng thông lệ quốc tế, xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK là những giải pháp cải cách cần được quy định cụ thể khi sửa các luật như Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

CBCC Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: Q.Hùng.

Bộ Tài chính nêu nhiều vấn đề bất cập  trong lĩnh vực quản lý hàng hóa XNK. Chẳng hạn như việc ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật thì bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền hành văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

Tuy nhiên, các bộ, cơ quan ngang bộ chưa xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về tiêu chuẩn có liên quan để đảm bảo cơ sở triển khai khi thực hiện. Cụ thể, chưa ban hành đủ quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với mặt hàng thuộc nhóm có khả năng gây mất an toàn, nhiều nhóm hàng chưa có quy chuẩn kỹ thuật theo quy định; chưa đảm bảo thống nhất nguyên tắc quản lý sản phẩm, hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Về việc quản lý danh mục hàng hóa thuộc diện KTCN, theo quy định tại Điều 70 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo lĩnh vực được phân công, theo đó các bộ ban hành danh mục sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng trong danh mục ban hành không có mã số HS dẫn đến khó khăn trong việc xác định chính xác hàng hóa; tên gọi danh mục sản phẩm hàng hóa khác nhau như: Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng KTCN; Danh mục hàng hóa XNK theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành; Danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn… Do đó, một sản phẩm hàng hóa có thể thuộc nhiều danh mục khác nhau và chịu nhiều phương thức quản lý bởi nhiều cơ quan, tổ chức dẫn đến chồng chéo về quản lý.

Về phương pháp KTCN, Bộ Tài chính cho rằng về việc miễn kiểm tra, theo quy định tại Khoản 4 Điều 27 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải quy định cụ thể việc miễn, giảm kiểm tra chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, chứng nhận đã áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Tuy nhiên, nhiều bộ ngành chưa quy định cụ thể việc miễn kiểm tra với các đối tượng này, mới chỉ quy định phương pháp kiểm tra giảm nên phạm vi KTCN trước thông quan còn rộng.

Về cơ quan thực hiện KTCN cũng còn vướng mắc. Thực hiện quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì cơ quan thực hiện KTCN là cơ quan nhà nước. Tuy nhiên hiện nay cơ quan nhà nước ủy quyền cho tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện việc kiểm tra và cấp thông báo kết quả kiểm tra cho người NK. Theo đó, việc ủy quyền sẽ phát sinh một số bất cập như không có cơ sở pháp lý cho  việc ủy quyền; không rõ cơ chế giải quyết trong trường hợp người NK không đồng ý với kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức được bộ, ngành chỉ định…

Chính vì những bất cập còn tồn tại, Bộ Tài chính kiến nghị khi sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa cần theo nguyên tắc: Chỉ kiểm tra trước thông quan đối với hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cao, gây lây lan dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, an ninh quốc gia.

Đồng thời, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro, phân loại DN dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của DN, phân nhóm mặt hàng có độ rủi ro cao/thấp… để áp dụng mức độ kiểm tra, phương pháp kiểm tra phù hợp.

Văn bản pháp luật cần quy định rõ việc áp dụng thông lệ quốc tế trong  KTCN với các nội dung như: Công nhận lẫn nhau; chủ động thừa nhận chứng nhận chất lượng của nước ngoài đối với hàng hóa NK từ các nước phát triển, thương hiệu nổi tiếng.

Đăc biệt giải pháp xã hội hóa hoạt động KTCN cần được áp dụng mạnh theo hướng: Cơ quan nhà nước chỉ thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát; việc kiểm tra, kiểm định, giám định chuyển cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật thực hiện; kết quả kiểm tra của tổ chức đánh giá sự phù hợp là kết quả KTCN, được sử dụng để làm thủ tục thông quan hàng hóa.

Nguồn:baohaiquan.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/