Thấy gì phía sau những con số khả quan GDP quý I?

Tăng trưởng GDP quý I cao nhất từ 2020, tuy vậy nhiều chuyên gia cho rằng không nên lạc quan quá, bởi đây vẫn là thời kỳ khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi với doanh nghiệp, dù có đơn hàng xuất khẩu tới quý III vẫn chưa hết lo.

Cụ thể với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết từ quý I năm nay tình hình kinh doanh khởi sắc, đơn hàng dồi dào, nhưng giá chưa như kỳ vọng.

Đơn hàng hết quý III, xuất khẩu chưa hết lo

Theo các doanh nghiệp (DN) dệt may, họ đã chuyển từ trạng thái gì cũng nhận, gì cũng làm, sang trạng thái DN có sự lựa chọn nên ký đơn hàng không và ký bao nhiêu. Ông Cẩm cho hay, hiện DN với tâm lý là ký đủ hàng dư một chút. Có DN có đơn hàng tới đầu quý III, thậm hết quý III nhưng để ký dài hơi hết sức thận trọng.

-4011-1713777649.jpg

Vẫn còn nhiều băn khoăn khó có thể lạc quan về triển vọng kinh tế 2024. 

“2024 chưa phải là năm khởi sắc mà vẫn còn dư âm 2023 nên sức khỏe DN rất yếu. Nhiều DN rút khỏi thị trường, thậm chí quá yếu rồi nên sang năm 2024 không trụ được. Trong khi đó, bao nhiêu tác động từ bên ngoài như chiến sự Biển Đỏ, căng thẳng địa chính trị leo thang… Dẫn tới áp lực về đơn giá của dệt may rất lớn”, ông Cẩm cho hay.

Thêm vào đó, ông Cẩm cho biết áp lực lâu dài là yêu cầu của các thị trường lớn như với EU đưa ra chiến lược thời trang bền vững, thiết kế sinh thái, sản xuất và tiêu dùng và thải bỏ bền vững…

Quan trọng hơn, hiện DN không thiếu đơn hàng nhưng thiếu lao động. Nửa đầu năm 2023, ngành dệt may gần 80 nghìn lao động mất việc làm. Người lao động về quê nên không quay lại. Áp lực chi phí tăng nhưng giá không tăng”, ông Cẩm cho biết.

Với ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay tình hình kinh doanh khởi sắc hơn, nhưng ngành gỗ không phải là “gà đẻ trứng vàng” như nhiều người vẫn tưởng. Ngành này đang gặp một số khó khăn, cụ thể là áp lực đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại khi Việt Nam thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng chế biến gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo ông Hoài, Mỹ hiện nhập 10 cái ghế, trong đó có 4 ghế từ Việt Nam. Vì vậy, thị trường này thường xuyên khởi xướng điều tra. Thêm vào đó, ngành gỗ cần thích ứng với yêu cầu mới của EU như quy định không gây mất rừng, suy thoái rừng.

Trong nước, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cảm giác không khí u ám vẫn bao trùm lên DN Việt Nam, trong khi chi phí tuân thủ pháp luật cao, hoàn thuế giá trị gia tăng hơn 2 năm qua chậm khiến DN đau đầu.

Cùng với đó, quy định về phòng chống chữa cháy, nhiều nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai bị đề nghị thay đổi hoặc đóng cửa. Nhiều nhà máy xây dựng vài chục năm có quyết định dịch chuyển, vậy nên giờ đầu tư mấy chục tỷ để xây dựng hệ thống phòng chống cháy nổ nhưng nếu mai chuyển sẽ rất tốn kém.

“Tôi mong muốn Chính phủ có bước ngoặt truyền lửa, tiếp sức cho DN bằng cơ chế. Hỗ trợ vốn, tài khoá cơ bản đã thực hiện, vì vậy chỉ có truyền lửa bằng cách đồng hành thật sự, giảm chi phí tuân thủ pháp luật của DN”, ông Hoài nói.

Khó có thể lạc quan

Hơn 30 năm trải qua các thời kỳ cải cách phát triển kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cảm nhận rằng đây là thời kỳ khó khăn nhất và khó có thể lạc quan.

Theo vị chuyên gia, những điểm khó khăn không thể hiện ở con số tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Quý I/2024, GDP tăng 5,66%, cao nhất từ 2020 đến nay, nhưng liệu là khởi đầu thuận lợi, phục hồi có bền vững hay không thì chưa chắc?

Nguyên do, ông Cung cho rằng có gì đó bất thường xảy ra trong nền kinh tế. Năm 2023, tiêu thụ điện tăng trưởng giảm hẳn so với tăng trưởng GDP, nghĩa là nền kinh tế sử dụng tiết kiệm điện đột biến và hiệu quả nền kinh tế tăng lên đột ngột. Quý I, tăng trưởng điện 11,8%, tăng trưởng công nghiệp tăng 5,7%. Những con số thay đổi đột biến làm ông nghi ngờ…

Trong khi xuất khẩu dự báo khó phục hồi mạnh mẽ bởi các tác động từ bên ngoài, chuyên gia Nguyễn Đình Cung cho rằng một động lực đang bị xói mòn là dịch vụ. Thu nhập giảm, lạm phát tăng khiến người dân không “biết lấy đâu tiền để chi tiêu”.

Đồng thời, vấn đề đáng lo ngại là đầu tư xã hội vẫn chưa quay lại. Đầu tư tư nhân chỉ bằng 1/3-1/4 của thời kỳ trước. Đầu tư nước ngoài cao nhất đạt 38 tỷ USD vào 2019 và năm ngoái đạt 36 tỷ USD. “Tôi tin rằng vượt con số này không phải đơn giản”, vị chuyên gia nhận định…

Theo ông Cung, để vượt qua những khó khăn và đạt được các mục tiêu kỳ vọng cần một cuộc cải cách toàn diện về thể chế, chứ không phải cơi nới.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị: Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho người lao động, nguồn vốn cho DN hiệu quả trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh.

Trong khi đó, những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2024 còn rất lớn như căng thẳng địa chính trị và các cuộc bầu cử, sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu, rủi ro công nghệ... Tất cả những rủi ro này không mới, nhưng các chuyên gia nhận định đang ngày càng trở nên nổi cộm hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Đồng nghĩa, kinh tế Việt Nam với độ mở lớn sẽ khó tránh khỏi tác động. Do vậy, doanh nghiệp cần phải chủ động thích ứng để vượt qua những "cơn gió ngược" này. 

Nguồn: Vnbusiness.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/