Hiệp định CPTPP kích thích doanh nghiệp Việt xanh hóa để làm chủ cuộc chơi

Tác động Hiệp định CPTPP đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm đến áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một trong số 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Các FTA đang mang đến các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp để mở rộng thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, các FTA cũng đem lại những ưu đãi thuế dành cho hàng hóa Việt Nam có nguồn gốc phù hợp được chứng nhận, sản xuất bền vững và minh bạch thông tin. Do vậy, để tận dụng tối đa các ưu đãi thương mại từ thị trường FTA, các doanh nghiệp cần phải đổi mới mọi hoạt động, trong đó có những tiêu chuẩn xanh hoá.

Đơn cử, Hiệp định CPTPP có Chương 20 về Môi trường, điểm 6 Điều 20.3 có nêu “các Bên nhận thức rằng việc khuyến khích thương mại hay đầu tư bằng cách giảm mức độ bảo vệ được quy định trong pháp luật môi trường của mình là không phù hợp”. Đồng thời, Hiệp định CPTPP cũng quy định nhiều nghĩa vụ hơn nữa để bảo vệ tầng ozone và môi trường biển.

Bên cạnh đó, các nhà mua, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế, đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt. Theo đó, những yêu cầu này nhấn mạnh các vấn đề như hiệu quả môi trường, sử dụng vật liệu tái chế, tìm kiếm các vật liệu hữu cơ hoặc bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng và bảo tồn các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như nhiên liệu hóa thạch và nước.

Yếu tố khác nữa là việc nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tăng, tức là người tiêu dùng sẵn sàng chi trả ở mức giá cao hơn cho các sản phẩm bền vững.

Hiệp định CPTPP kích thích doanh nghiệp Việt xanh hóa để làm chủ cuộc chơi
Yêu cầu về bền vững và cạnh tranh đã thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chuyển đổi xanh

Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, để bảo vệ môi trường, nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó, dệt may là ngành chịu nhiều ảnh hưởng của những tiêu chuẩn này. Hiện nay, yếu tố “xanh” không còn là lựa chọn mà đang dần được luật hóa tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của dệt may Việt Nam.

 

Theo ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Dệt may Việt Nam xác định, phát triển bền vững sẽ là một câu chuyện về chiến lược đường dài, không thể một sớm một chiều, ngay lập tức chuyển đổi toàn bộ. Vì vậy, doanh nghiệp phải bám rất sát theo yêu cầu của khách hàng, cũng chính là yêu cầu của thị trường.

Theo đại diện của Vinatex, đây là những thách thức nhưng cũng đặt ra những cơ hội mà nếu bắt kịp sẽ nâng cao giá trị trên mỗi đầu lao động. Để làm được những sản phẩm xanh, yêu cầu theo thiết kế sinh thái mới đó cũng là cơ hội, vì cơ hội xuất phát từ trong những thách thức. "Dệt may phải xác định phát triển bền vững là một xu thế không thể đảo ngược, từ đó chủ động nắm bắt để cố gắng bắt nhịp cùng với thị trường, bắt sớm quá cũng sẽ không hiệu quả, nhưng phải bắt đúng” - ông Vương Đức Anh nói.

Yêu cầu về bền vững và cạnh tranh đã thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chuyển đổi xanh. Năm 2022, May 10 hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra khi đạt tổng doanh thu 4.500 tỷ đồng, tăng 18,42% so với kế hoạch, tăng 27,93% so với năm 2021, trong đó, có sự đóng góp quan trọng từ xuất khẩu. Cũng trong năm này, May 10 được trao tặng danh hiệu đơn vị 5 sao "Năng lượng xanh 2022" - danh hiệu cao nhất nhờ đầu tư vào nhiều giải pháp trong sản xuất xanh như: Tiết kiệm năng lượng, tích hợp điều khiển thông minh cho các hệ thống trong tòa nhà, sử dụng các thiết bị có hiệu suất cao...

Cùng với đó, May 10 cũng đang chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại. Theo May 10, doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận và loại bỏ các công nghệ cũ, đã lỗi thời không đảm bảo chất lượng sản phẩm và gây tổn hại cho môi trường - là tiêu chí mà hiệp định CPTPP hướng tới.

Còn ở lĩnh vực nông nghiệp, Tập đoàn TH là một trong những điển hình. Các dự án của Tập đoàn TH đặc biệt quan tâm đến công nghệ thu gom, xử lý chất thải và nước thải, nhằm thống nhất đưa các trang trại và dự án trên cả nước của TH theo hướng kinh tế tuần hoàn, thể hiện ở quy trình sản xuất khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch”. Không chỉ sản xuất tại Việt Nam, TH còn mang mô hình kinh tế tuần hoàn đến Liên bang Nga, Australia để sản xuất.

Còn đối với nhóm hàng nông sản, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Tập đoàn T&T Group, hiện các thị trường nhập khẩu khó tính của Việt Nam gồm các nước thành viên của Hiệp định CPTPP đang hướng tới kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp xanh. "Mặc dù chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng, nhưng doanh nghiệp Việt muốn phát triển xuất khẩu, phải đầu tư ngay, không đợi khi họ ra luật thì lúc đó bắt tay vào làm sẽ chậm, mất cơ hội xuất khẩu" - ông Tùng nhấn mạnh.

Có thể nói, Hiệp định CPTPP đang khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn mạnh mẽ về môi trường, tính bền vững và quản trị ESG (Environmental, Social and Governance), trong đó có giảm thải carbon. Điều này kích thích các doanh nghiệp phải xây dựng mục tiêu cụ thể trong chiến lược kinh doanh của đơn vị có tính đến giảm phát thải carbon, nhất là trong ngành dệt may.

Song song với đó, các doanh nghiệp cũng cần phải chuyển đổi, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, nguyên liệu tái chế và thiết kế sản phẩm theo hướng tuần hoàn; tăng cường sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiết kiệm năng lượng để tự mình làm chủ cuộc chơi trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng.

Nhật Khôi
Nguồn: Congthuong.vn
 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/