Đừng để xuất khẩu vào EU mất năng lực cạnh tranh vì chậm thích ứng với ‘luật chơi mới’

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, dệt may, da giày vào thị trường EU từ đầu năm đến nay sụt giảm hoặc chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi. Điều này một phần đến từ những “luật chơi mới” của EU có tính tiêu chuẩn xanh, bền vững hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần phải thích ứng linh hoạt hơn nếu không muốn mất đi năng lực cạnh tranh, giảm kim ngạch xuất khẩu.

Trong tháng 8 này, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ có một bản báo cáo về việc nghiên cứu, xử lý thông tin liên quan đến vấn đề châu Âu thêm rào cản với ngành dệt may, cũng như có các giải pháp triển khai phù hợp.

Chậm thích ứng là... “tự sát” 

Mới đây, EU có đề xuất áp dụng chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với sản phẩm dệt may. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) sản xuất dệt may phải đảm bảo toàn bộ vòng đời của sản phẩm dệt may và hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải dệt may khắp châu Âu.

-1504-1690883522.png

Để cải thiện XK nông lâm thủy sản vào EU đòi hỏi các DN Việt phải thích ứng linh hoạt với các quy định mới có tính tiêu chuẩn xanh, bền vững hơn.

Động thái mới của EU càng tăng thêm áp lực cho các DN dệt may Việt Nam trong bối cảnh đơn hàng XK vào thị trường lớn này giảm sâu trong hơn nửa năm qua. Điều đáng nói, EU là thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất với mức tiêu thụ lên tới hơn 264 tỷ USD hồi 2022, chiếm khoảng 33% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của thế giới.

Giới chuyên gia nhận định trong xu hướng trung dài hạn, thị trường EU sẽ ban hành các chính sách khắt khe về tiêu chuẩn xanh, bền vững. Vì thế, nếu DN chậm thích ứng, thiếu đi chiến lược bài bản trong chuyển đổi xanh dệt may thì xem như “tự sát”, sẽ dần làm mất đi năng lực cạnh tranh của DN Việt trên thị trường này.

Theo ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, các quy định mới của EU đòi hỏi ngành dệt may phải có khả năng cạnh tranh, linh hoạt và đổi mới với việc các nhà sản xuất chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ dọc theo chuỗi giá trị với đủ năng lực tái chế và hạn chế tối đa việc đốt và chôn lấp.

Như lưu ý của ông Quân, điều lo ngại cho các DN dệt may ở Việt Nam thông qua các quy định về EPR của EU là hàng dệt may của Việt Nam sẽ rất khó XK với thương hiệu của mình vào thị trường này. 

“Bởi vì để XK thương hiệu Việt vào EU sẽ yêu cầu tất cả các DN có thương hiệu phải xây dựng một chuỗi cửa hàng, chuỗi thu mua, chuỗi xử lý, sửa chữa sản phẩm. Trong khi đó, các DN trong nước hiện vẫn chủ yếu làm gia công cho các hãng dệt may của EU”, ông Quân chia sẻ.

Khó khăn tương tự như trên cũng đến với các ngành da giày, nông lâm thủy sản, trong khi XK các mặt hàng này vào EU trong 7 tháng qua vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi. Thậm chí, số liệu nửa đầu năm nay cho thấy kim ngạch XK nông lâm thủy sản vào EU chỉ đạt 2,1 tỷ USD, sụt giảm đến 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

“Phải tự ý thức làm ăn bài bản, đàng hoàng

Nguyên nhân của việc sa sút XK nông lâm thủy sản vào thị trường EU ngoài yếu tố khách quan là nhu cầu tiêu thụ giảm thì một phần còn do các biện pháp phi thuế quan như biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT). 

Như mới đây Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng, nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Theo đó, luật mới sẽ được áp dụng với các sản phẩm cà-phê, ca-cao, đậu nành, gỗ xẻ, dầu cọ, thịt gia súc, cao-su…và các sản phẩm phái sinh, từ các nước trên thế giới. Các sản phẩm thuộc nhóm này nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU. 

Đứng ở góc độ chuyên gia, Ts. Nguyễn Thái Chuyên (Đại học RMIT) cho rằng, EU là một thị trường khó tính với tiêu chuẩn hàng hoá rất khắt khe, vì vậy DN Việt Nam muốn tiếp cận thị trường này cần phải có nỗ lực tự thay đổi và thích ứng, đồng thời tận dụng tối đa hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và hiệp hội.

Như lời khuyên của ông Chuyên, các DN Việt Nam cần chủ động tiếp thu kiến thức và nâng cao hiểu biết về các tiêu chuẩn và quy định mới của EU. Họ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong khuôn khổ các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hơn nữa, các DN cần tập trung vào việc nâng cao năng lực quản lý, chất lượng nhân lực, đổi mới công nghệ nhanh chóng, xây dựng và phát triển thương hiệu, cũng như thiết lập chiến lược kinh doanh dài hạn để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu từ thị trường 500 triệu dân của EU. 

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác và liên kết giữa các DN, đặc biệt trong khuôn khổ các hiệp hội, để chia sẻ kiến thức, kỹ thuật, và mở rộng mạng lưới phân phối, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường EU. 

Cũng theo chuyên gia của RMIT, đối với các DN xuất khẩu nói riêng, họ sẽ cần nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, học hỏi và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ môi trường cao mà EU yêu cầu. Quan trọng là cần bám theo xu thế tiêu dùng và tăng cường khả năng sáng tạo, đồng thời tương tác trực tiếp, liên tục, nhanh chóng với khách hàng châu Âu.

Còn theo vị tham tán thương mại Trần Ngọc Quân, khi EU đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn thì đòi hỏi các DN trong nước cần thích ứng chuyển đổi cho phù hợp. Bởi vì khi các quy định mới đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới XK của DN.

Tuy vậy, cần nhắc thêm, sau ba năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mang lại những lợi ích nhất định nhưng vẫn còn nhiều dư địa để các DN Việt khai thác, đẩy mạnh XK vào EU. 

Cho nên, theo ông Quân, EVFTA là một lợi thế của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khi tiếp cận thị trường EU. Cơ hội từ EVFTA là rất lớn nên càng đòi hỏi các DN Việt “phải tự ý thức làm ăn bài bản, đàng hoàng” để thiết lập các quan hệ bền vững, lâu dài với thị trường châu Âu.

Nguồn: Vnbusiness.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/