Xuất khẩu thêm lo khi tập đoàn đa quốc gia xây nhà máy ở Ấn Độ, Mexico

Dự báo của các doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy, thị trường cuối năm có phục hồi nhưng không mạnh, trong khi đó đang có một mối lo được Bộ Công Thương chỉ ra với xuất khẩu trong thời gian tới, đó là các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Brazil… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm. Xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước, như: xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%; Trung Quốc giảm 2,2%; Hàn Quốc giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 3,3%; ASEAN giảm 8,7%...

Chưa hết khó khăn trong 6 tháng cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: hàng dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%...

-4024-1688459192.jpg

Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ. 

Cụ thể đối với ngành gỗ, xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 6,4 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, xuất khẩu lâm sản giảm mạnh ở 5 thị trường lớn, bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc do lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với các sản phẩm không thiết yếu. Do vậy, việc ký kết thêm các đơn hàng mới rất khó khăn.

Ngoài ra, giá dăm gỗ và viên nén giảm mạnh trong khi chi phí nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng đến việc sản xuất của doanh nghiệp, kéo theo kim ngạch xuất khẩu ngành đi xuống.

Thêm vào đó, Mỹ - thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam đang tăng cường điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm gỗ dán, tủ bếp, bàn trang điểm... tạo ra một rào cản nhất định cho hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường này.

Hay với ngành thủy sản, Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành cho hay, 5 tháng đầu năm nay chỉ xuất khẩu được hơn 11.000 tấn, với kim ngạch đạt 28 triệu USD, thấp hơn cùng kỳ khoảng 30%.

“Chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trường có thể phục hồi trong quý III, vì vậy doanh nghiệp đang tập trung tìm kiếm đơn hàng để hoàn thành kế hoạch xuất khẩu cả năm đặt ra là 100 triệu USD”, đại diện thủy sản Đại Thành cho biết.

Với ngành dệt may, dự báo trong các tháng còn lại của năm 2023, thị trường dệt may và thời trang vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid 19…

Thêm vào đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, trong thời gian tới ngành này vẫn tiếp tục đối mặt với những áp lực và đòi hỏi đến từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn xanh hóa, hàng rào kỹ thuật liên quan đến sản phẩm tái chế. Ông khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nhanh chóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ mới, cùng với đó thúc đẩy xanh hóa với các giải pháp đồng bộ từ nguyên liệu xanh, sản phẩm xanh, năng lượng xanh.

Chuỗi sản xuất đang dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc, Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, dự báo tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi còn chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; khủng hoảng năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào còn tiếp diễn; căng thẳng chính trị, xu đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài sẽ gây ra những ảnh hưởng hệ lụy nhất định tới tăng trưởng của các đối tác thương mại của Việt Nam.

“Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với đầy rủi ro và thách thức; Nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu – châu Mỹ, là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam”, Bộ Công Thương cho biết.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương chỉ ra lo ngại về xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ (Near sourcing) và đang dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất (thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam).

“Các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Brazil… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này”, Bộ Công Thương chỉ ra lo ngại.

Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương cho biết, cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định; Tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Trong khi đó, đi vào kiến nghị cụ thể để có tiền thu mua nguyên liệu tích trữ, Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quan tâm xem xét điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4%, lãi suất vay tiền đồng là dưới 7%; đồng thời cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4 - 6 tháng đối với các khoản vay đến hạn phải trả. Đặc biệt, VASEP cho rằng, gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cần được tung ra ngay để kích cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản thu mua nguyên liệu cho nông dân.

Trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu chưa về nhiều, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, cần có giải pháp giảm lãi suất trực tiếp vào các gói vay hiện nay của doanh nghiệp, thay vì chờ gói lãi suất ưu đãi, vì như vậy là quá lâu để các doanh nghiệp có đủ nguồn tiền thu mua nguyên liệu, gia tăng sản xuất…

Nguồn: Vnbusiness.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/