Xu hướng bảo hộ gia tăng đang gây ra những trở ngại lớn đối với hàng hóa xuất khẩu (Ảnh TL)

Số liệu thống kê được Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cập nhật mới nhất cho biết, tính đến năm 2018, Việt Nam đã phải đối mặt với 81 vụ điều tra PVTM, bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong đó mỗi năm đều phát sinh các vụ việc chống bán phá giá và tăng nhiều nhất từ năm 2015 trở lại đây (trung bình mỗi năm có 7 vụ, đỉnh điểm là 12 vụ trong năm 2015) phát sinh đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, các vụ điều tra chống trợ cấp xảy ra tuy có muộn hơn chống bán phá giá nhưng mỗi năm cũng có từ 1 - 2 vụ việc. Riêng năm 2018, Việt Nam đã phải đối mặt với 4 vụ việc đến từ các quốc gia khác nhau. Ngoài ra các DN Việt Nam cũng phải đối mặt với 28 vụ điều tra tự vệ.

Theo Phòng xử lý PVTM thuộc Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), những động thái này từ các quốc gia nhập khẩu ngày càng có xu hướng gia tăng, thực sự là rào cản đối với các DN Việt Nam. Đáng nói, phạm vi sản phẩm bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng đa dạng.

Nếu như trước đây, các nước thường sử dụng biện pháp PVTM chủ yếu tập trung vào các sản phẩm như thép, dệt may, giày dép hay thủy sản… thì hiện nay đã lan cả sang những dòng sản phẩm thông thường khác, thậm chí là những sản phẩm ít ai ngờ như đinh thép, túi dệt và kể cả mắc áo bằng thép…

Xu hướng bảo hộ đang gia tăng thực sự gây ra những trở ngại lớn đối với hàng hóa  xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý khá hoàn chỉnh để thực thi pháp luật về PVTM phù hợp với các quy định của WTO, song các DN Việt Nam cũng không tránh khỏi những phát sinh khi đối diện với các quy định của nước nhập khẩu.

Nguồn:congluan.vn