Đừng quá lo ngại sự yếu thế của doanh nghiệp nội trong xuất khẩu

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, đã tới lúc Việt Nam không nên quá lo ngại về sự yếu thế, lép vế của DN nội địa trong XK hàng hóa.

Năm nay, XK hàng hóa đạt được không ít kết quả tích cực, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế nói chung. Theo ông, đâu là nguyên nhân căn bản giúp XK hàng hóa thu về nhiều "trái ngọt" như vậy?

Năm 2018, ở trong nước, nền kinh tế phát triển tương đối thuận lợi, hỗ trợ cho XK. Tăng trưởng kinh tế cả năm nay có thể đạt 7%. 5 năm qua, việc thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bên cạnh đó còn là Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, được triển khai khá quyết liệt.

Nhìn chung, kinh tế trong nước phát triển, môi tường kinh doanh cải thiện, chi phí của DN giảm xuống. Tình hình điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp dưới 4%, tỷ giá tương đối ổn định cũng góp phần đỡ gây xáo trộn cho việc lập kế hoạch của DN. Tất cả điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Ngoài ra, các FTA đã ký kết tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho XK hàng hóa Việt Nam, khả năng tận dụng của DN Việt cũng tốt hơn.

Về mặt thế giới, dù có những điểm bất lợi nhưng điểm thuận lợi là giá cả trong năm 2018 ở mức tương đối tốt cho XK. Việt Nam vẫn duy trì được các thị trường XK chính như Hàn Quốc, Nhật Bản... vì có quan hệ tương đối tốt, không xảy ra chiến tranh thương mại với nước nào.

Một trong những điểm sáng của "bức tranh" XK hàng hóa 2018 là tăng trưởng XK của khối DN nội địa đã cao hơn khối DN FDI. Ông đánh giá như thế nào về tình thế đảo chiều này?

Đặc điểm của kinh tế Việt Nam là thu hút rất mạnh FDI. Những năm qua, khối DN FDI phát triển mạnh và quy mô càng ngày càng lớn. Rất nhiều DN FDI định hướng XK nên tỷ trọng XK tăng nhanh. Họ có thị trường, quan hệ đối tác, có công nghệ, quản lý tốt, tiềm lực tài chính mạnh hơn... Bởi vậy, trong nhiều năm qua, DN FDI liên tục tăng trưởng tỷ trọng XK cũng như DN FDI có tăng trưởng XK luôn cao hơn DN nội địa là điều dễ hiểu.

Có thể nói rằng, XK trong nước nhiều năm gần đây, đóng góp chủ yếu thành tích vẫn là khối DN FDI. Năm nay, DN FDI vẫn đóng vài trò chủ lực khi chiếm 71,7% trong 11 tháng đầu năm. Tuy nhiên, nhìn một cách sâu hơn, đây là năm đầu tiên, DN trong nước tăng trưởng XK cao hơn khối DN FDI. Lần đầu tiên, xu hướng liên tục giảm về tỷ trọng của DN trong nước trong XK so với DN FDI tạm thời đảo chiều. Tỷ trọng của DN FDI liên tục tăng trong nhiều năm thì lần đầu tiên cũng đã tạm dừng lại, giảm xuống. Đây là điều rất đáng mừng. Nếu xu thế này còn tiếp tục nữa, hy vọng DN trong nước sẽ ngày càng chiếm lĩnh tốt hơn thị trường nước ngoài. Kết quả đảo chiều kể trên, một phần do nỗ lực của chính DN, một phần do các giải pháp của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, nâng năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho DN.

Nhiều nhà phân tích hay lo ngại DN nội địa ngày càng yếu thế so với DN FDI. Khách quan mà nói, đứng trước sự lớn mạnh của DN FDI, dù tỷ trọng trong XK của DN nội địa những năm qua giảm, song quy mô XK của DN nội địa cũng ghi nhận tăng khá mạnh. Năm 2016, DN nội địa XK được 50 tỷ USD; năm 2017 khoảng gần 60 tỷ USD và năm nay có thể đạt khoảng gần 70 tỷ USD. Quy mô và tiềm lực của DN trong nước cũng đang phát triển, không nên quá lo lắng khi DN FDI chiếm vị trí thống lĩnh.

 

Tỷ trọng tăng trưởng XK của DN FDI luôn cao hơn DN nội địa. Ảnh: ST.

 

2018 là một năm hội nhập kinh tế quốc tế đầy sôi động của Việt Nam. Quốc hội mới đây đã thông qua mục tiêu tăng trưởng XK trong năm 2019 ở mức 7-8%; tỷ lệ nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch XK. Xin ông phân tích rõ hơn về tính khả thi của những con số này? Liệu nhập siêu có khả năng trở lại không, thưa ông?

Nhiều năm qua, từ khoảng năm 2002 đến nay, XK  của Việt Nam đều tăng trưởng cao trên 10%, đặc biệt là năm 2011 tăng trưởng đến 36%. Những năm qua, Quốc hội đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng XK khá cao, song đến năm 2014 và 2015, tăng trưởng XK đạt dưới 10% nên từ năm 2016 lại thận trọng khi đưa ra chỉ tiêu này.

Đánh giá tình hình thực tế hiện nay thì chỉ tiêu Quốc hội thông qua cho năm 2019 hoàn toàn có thể đạt được. Điểm quan trọng nhất là năng lực cạnh tranh XK của cả khối DN FDI và của khối DN nội địa đều tương đối tốt hơn so với trước. Một điểm nữa là Chính phủ đã, đang tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ để tạo thuận lợi cho DN. Hiện nay, nhiều chỉ tiêu của môi trường kinh doanh đã giảm như giảm số giờ làm thủ tục hải quan, giảm số giờ đóng thuế, nâng cao chỉ tiêu tiếp cận điện... Những điều này giúp giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh của XK hàng hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký hàng loạt FTA. Nếu các DN Việt tận dụng được sẽ rất thuận lợi cho XK. Những yếu tố tạo thuận lợi cơ bản nêu trên giúp XK đạt chỉ tiêu.

Về mặt nhập siêu, trước năm 2012, Việt Nam nhập siêu triền miên. Từ năm 2012 đến nay, trừ năm 2015 nhập siêu thì Việt Nam đều xuất siêu. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Việt Nam xuất siêu lớn, năm sau cao hơn năm trước. Với năm 2019, đánh giá chung, chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra là kiểm soát nhập siêu dưới 3% XK rất khả thi. Tuy vậy, về lâu dài, nhập siêu không phải không thể quay trở lại bởi Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: baohaiquan.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/