Đơn hàng dệt may sẽ cải thiện dần từ quý IV

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết, xuất, nhập khẩu dệt may đang có những tín hiệu tích cực. Các đối tác châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến nước ta tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước; xuất khẩu sang Mỹ, EU cũng khởi sắc hơn. Dự kiến, đơn hàng của ngành dệt may sẽ được cải thiện dần từ quý IV.2023.

- Tình hình xuất khẩu dệt may trong 8 tháng qua như thế nào, thưa ông?

- Theo thống kê của VITAS, xuất khẩu dệt may tháng 8 đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 6% so với tháng 7 và giảm 21,5% so với tháng 8.2022. Lũy kế 8 tháng, kim ngạch đạt 26,2 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. 

Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang

Về thị trường, chỉ có Nhật Bản giữ đà tăng trưởng, còn Mỹ, EU và Hàn Quốc... đều suy giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, Mỹ giảm 22,4%, EU giảm 11,9%. Với mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 39 - 40 tỷ USD, đến nay ngành đã hoàn thành 65%.

- Nguyên nhân sụt giảm do đâu, thưa ông?  

- Hiện tại, ngành dệt may phải đối mặt với 3 vấn đề chính. Thứ nhất, đối với ngành dệt may toàn cầu, lượng hàng tồn kho vẫn còn nhiều, chưa giải phóng hết. Đây là thách thức lớn nhất. Thứ hai, do lạm phát nên sức mua toàn cầu chưa được khôi phục toàn diện ở tất cả mặt hàng. Thứ ba là những thách thức về địa chính trị cũng có ảnh hưởng nhất định trong thương mại toàn cầu.

Ngoài ra, thời gian qua, ngành dệt may chịu nhiều áp lực xanh hóa. Áp lực đánh giá của nhãn hàng về thị trường xanh bền vững, khí thải, rác thải, môi trường làm việc và đặc biệt là các chứng chỉ an toàn cho sản phẩm vào thị trường khó tính như EU hay Mỹ.

Theo ông, tình hình đơn hàng có được cải thiện trong những tháng cuối năm không?

- Dự báo, nhu cầu dệt may thế giới năm 2023 giảm 8 - 10%, tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu dệt may của nước ta trong năm nay và cả những tháng đầu năm 2024.

Tuy nhiên, xuất, nhập khẩu dệt may đang có những tín hiệu tích cực và nhiều khả năng sẽ phục hồi trong những tháng tới. Gần đây, các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… cũng đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Ngoài ra, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU cũng khởi sắc hơn. Dự kiến, đơn đặt hàng của ngành dệt may sẽ được cải thiện dần từ quý IV.2023.

Chuyển đổi xanh: nhiều mô hình bứt phá 

- Trước áp lực xanh hóa, ngành dệt may đã thích ứng như thế nào?

- Nếu các doanh nghiệp dệt may không đầu tư, đạt chuẩn mực về môi trường, khí thải, chuyển đổi năng lượng tái tạo thì sẽ khó đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng. Chính vì vậy, doanh nghiệp dệt may cũng đã có những chuyển mình nhất định trong phát triển xanh.  

Hiện nay, doanh nghiệp quy mô lớn có tính toàn cầu đã đầu tư chuẩn mực xanh, về giảm phát thải nhà kính, các chuẩn mực về môi trường. Theo đánh giá của các nhãn hàng, nhóm doanh nghiệp này đang làm tốt, đã đầu tư trong nhiều năm qua. 8 tháng, con số xuất khẩu của ngành đạt hơn 26 tỷ USD thì phải đáp ứng những chuẩn mực đó mới có các đơn hàng lớn như vậy. Nhiều nhà máy mô hình xanh, bền vững mang tính bứt phá ví dụ như Nhà máy May sông Hồng Nam Định đã đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chỉ số tăng trưởng về môi trường đều đạt. Hay Công ty May Tân Đệ Thái Bình cũng chuyển đổi xanh tốt, môi trường cực kỳ xanh, không chỉ xanh trong nhà xưởng mà còn xanh trong chính môi trường sống của công nhân...

Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu chuyển sang các giải pháp về đầu tư xanh, đầu tư phát triển bền vững, quản trị số, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo. Với nhóm doanh nghiệp nhỏ thì cực kỳ thách thức do khả năng tài chính, quy mô nhỏ, đánh giá khách hàng khó khăn... 

Từ nay đến cuối năm, VITAS triển khai những giải pháp nào để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu?

- Để đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2023 và để ngành dệt may phát triển bền vững, ngành cần tập trung vào các nhóm giải pháp cụ thể.

Với việc ký kết gần 20 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chúng ta đã bước vào sân chơi toàn cầu. Vì vậy bản thân doanh nghiệp phải tuân thủ luật chơi của các nhãn hàng, người tiêu dùng toàn cầu, đó là đầu tư xanh, môi trường xanh, sử dụng các sản phẩm có tính an toàn, bền vững, đa dạng hóa về mẫu mã kiểu dáng, sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên. Bên cạnh đó, thúc đẩy đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa ngành dệt may Việt Nam.

Doanh nghiệp phải xây dựng liên kết chuỗi, từ đó mới hỗ trợ nhau về điều kiện thị trường, hỗ trợ mô hình quản trị, thiết bị công nghệ, các đơn hàng; giải pháp về môi trường xanh, kinh nghiệm đầu tư. Chú trọng đào tạo nguồn lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần tiếp tục kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu giải quyết phần cung thiếu hụt của ngành. Xây dựng các giải pháp bán hàng gia công theo yêu cầu của khách hàng, Fob… phát triển đầu tư công nghệ, tự động hóa, quản trị số và môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn:Daibieunhandan.vn

 

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/