Doanh nghiệp lúng túng về thị trường carbon

Hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang thị trường EU đang phải đối mặt với nguy cơ bị giảm sức cạnh tranh, khi thị trường này bắt đầu thí điểm áp dụng tính thuế carbon - Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ tháng 10 năm nay, và áp dụng chính thức từ năm 2026.

Theo đó, các nhà nhập khẩu (NK) sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa NK. Nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, doanh nghiệp (DN) XK sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá car_bon hiện nay tại EU. Trong khi đó, Việt Nam đang là đối tác lớn thứ 11 về hàng hóa NK vào EU. Do đó, nhiều ngành hàng của Việt Nam XK sang thị trường EU sẽ chịu ảnh hưởng của cơ chế này.

Tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ car_bon” tổ chức ở TP Hồ Chí Minh ngày 6/9, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội rất lớn nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong 8 tháng đầu năm, ngành dệt may đã XK 26,3 tỷ USD, riêng tháng 8 XK 3,6 tỷ USD. Thị trường toàn cầu bắt đầu nóng lên nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với ngành, đó là mô hình phát triển bền vững. Từ cách đây 5 năm, ngành dệt may đã chịu nhiều áp lực của thị trường XK như: Áp lực đánh giá của các nhãn hàng liên quan đến vấn đề xanh, bền vững, khí thải, rác thải, môi trường làm việc, chứng chỉ an toàn về sản phẩm dệt may vào thị trường toàn cầu. Đặc biệt, thị trường EU đưa ra rất nhiều chứng chỉ, tiếp đó là thị trường Mỹ nhưng thực tế, số DN đầu tư hệ thống sản xuất xanh còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, với 77 thị trường XK của ngành dệt may thì thị trường XK lớn nhất là Mỹ (chiếm 44%), lớn thứ hai là EU (chiếm 19%).

Doanh nghiệp lúng túng về thị trường carbon -0Ngành dệt may thực hiện nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu nhưng vẫn chưa rõ về thị trường carbon.

Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn. TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế, tương đương với khoảng 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới. Nhiều DN đã bắt đầu xây dựng các dự án xanh để giảm phát thải. Theo đó, thị trường tín dụng xanh cũng được mở rộng để rót vốn cho những dự án này. Tuy vậy, tín dụng xanh thì mới chiếm khoảng 4% tổng dư nợ.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực Miền Nam cho biết, đến 31/12/2022, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh của Agribank đạt gần 12.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% dư nợ cho vay nền kinh tế).

Ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Tổng giám đốc HDBank cho biết, năm 2022 tổng dư nợ tín dụng xanh của là 11.000 tỷ đồng. Khi khung pháp lý đối với thị trường tín chỉ carbon hoàn chỉnh và việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào 2025 được thực hiện như định hướng của Chính phủ tại nghị định số 06/2022 thì HDBank sẽ nghiên cứu để có giải pháp hỗ trợ cho khách hàng tham gia thị trường này. Bởi tín chỉ carbon sẽ là hàng hoá đặc thù và có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

TS Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, để Việt Nam có thể phát triển thị trường carbon bền vững thì quá trình xây dựng, phát triển thị trường carbon định hướng theo phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cần phải có các công cụ và hạ tầng kỹ thuật rõ ràng, minh bạch trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính cho từng lĩnh vực, từng DN. Thị trường carbon tại Việt Nam phải được xây dựng theo hướng tích hợp, hội nhập và liên thông tới các thị trường carbon toàn cầu. Quan trọng nhất là các cơ quan ban ngành cần tiến hành triển khai nhanh hơn nữa, nếu chậm chân sẽ mất cơ hội. Lộ trình đưa ra là năm 2025 mới thí điểm vận hành, nhưng nếu chúng ta tham gia được sớm thì sẽ tốt hơn.

Nguồn: Congthuong.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/