BVSC: Tăng trưởng ngành dệt may Việt Nam giảm tốc, vướng điểm nghẽn Dệt nhuộm

Dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam sẽ giảm xuống trong trung hạn trong bối cảnh chịu áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ nhiều nước khác, đặc biệt là Bangladesh. Đồng thời, điểm nghẽn trong công đoạn Dệt nhuộm đang cản trở sự phát triển của toàn chuỗi giá trị dệt may Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng suy giảm, chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ Bangladesh

 Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt NamTốc độ tăng trưởng CAGR kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam qua các giai đoạn. (Nguồn: Tổng cục Thống kê, BVSC)

Theo nhận định mới nhất của Bảo Việt Securities (BVSC), tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới sẽ giảm xuống trong bối cảnh các nhãn hàng muốn đa dạng hoá nguồn cung, đồng thời khách hàng trên toàn cầu đang ngày càng đề cao việc xanh hoá, tiêu dùng có ý thức (conscious consumption).

Dữ liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) của ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn 2012 – 2022 chỉ đạt 10%, bằng một nửa so với mức đỉnh cao trong giai đoạn 2002 – 2012.

Sản xuất dệt may của Việt Nam hiện chủ yếu phục vụ cho hoạt động xuất khẩu với 3 thị trường tiêu thụ trọng điểm là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Trong đó, Hoa Kỳ hiện là khách hàng lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022 đạt 17 tỷ USD (tăng 8% so với năm 2021). Các khách hàng tại Hoa Kỳ đã và đang có xu hướng chuyển dịch một phần nguồn cung sang các nước châu Á khác nhau nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam đang hưởng lợi từ xu hướng trên ít hơn so với Bangladesh. Cụ thể, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Bangladesh sang Hoa Kỳ đạt 9,7 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2021; trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 17 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2021.

Xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam(Nguồn: Tổng Cục Hải quan, BVSC)

Trong cuộc đua giành thị phần, Việt Nam đang “hụt hơi” so với một số quốc gia khác, đặc biệt là Bangladesh. Nguyên nhân chủ yếu do Bangladesh đã và đang đẩy mạnh việc phát triển các nhà máy dệt may quy mô lớn theo tiêu chuẩn xanh. Đáng chú ý, nước này đang sở hữu số lượng nhà máy dệt may theo tiêu chuẩn xanh nhiều nhất trên thế giới; 52 trong số đó lọt vào top 100 nhà máy xanh hiện đại nhất trên thế giới. Do vậy, nước này tiếp tục là nơi mà nhiều nhãn hàng lựa chọn nhằm đẩy mạnh cam kết “xanh hóa” của mình.

Bên cạnh đó, so với Việt Nam, Bangladesh sở hữu đa dạng nguồn nguyên phụ liệu dệt may hơn và chi phí nhân công tại Bangladesh đang thấp so với mức trung bình ở châu Á.

Dệt nhuộm chậm phát triển cản trở toàn bộ chuỗi giá trị

Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam(Nguồn: Tổng cục Hải quan, BVSC)

Về vấn đề nguyên liệu đầu vào, nguồn cung từ Trung Quốc đang chiếm đến 62% tổng nguồn cung nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam. Trong khi đó, con số này chỉ là 49% đối với Bangladesh; đồng thời, Bangladesh còn có hai nguồn cung nguyên liệu lớn với giá cả cạnh tranh là Ấn Độ và Pakistan.

Đáng chú ý, chi phí vải hiện chiếm khoảng 60-70% chi phí nguyên vật liệu đầu vào của ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, lợi thế lại không thuộc về các doanh nghiệp vải nội địa. 64% tổng nguồn cung vải cho Việt Nam là từ nhập khẩu; trong số đó, 62% đến từ Trung Quốc, 13% từ Hàn Quốc và 13% từ Đài Loan (Trung Quốc). Tương tự, nguồn cung xơ sợi dệt và nguyên phụ liệu may mặc cũng đều bị chi phối bởi Trung Quốc. Điều này đã giới hạn giá trị gia tăng và biên lợi nhuận toàn ngành dệt may Việt Nam trong suốt giai đoạn vừa qua.

Nguyên nhân trực tiếp khiến ngành dệt may Việt Nam phải phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu đến từ 2 vấn đề, gồm: sự chỉ định của khách hàng và ngành dệt nhuộm trong nước chưa đủ khả năng cạnh tranh. Cụ thể:

Nguyên vật liệu sản xuất phụ thuộc vào chỉ định của khách hàng: 65% doanh nghiệp sản xuất bằng phương thức CMT (Cut-Make-Trim), 25% theo hình thức OEM/FOB (Original equipment manufacturer/Free on board). Hai hình thức này đều sử dụng vải do phía khách hàng cung cấp/chỉ định, vì vậy đa số là đều là vải từ các đơn vị nước ngoài mà đáp ứng yêu cầu và chuẩn mực của khách hàng. Đại đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa tiến lên được các nấc cao hơn trong chuỗi giá trị ngành dệt may do chưa đủ năng lực tìm kiếm nguồn vải nội địa đạt yêu cầu của khách hàng.

Chuỗi giá trị dệt may Việt Nam(Nguồn: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, BVSC, Tạp chí Công Thương tổng hợp)

Việc sản xuất theo phương thức CMT, OEM/FOB vừa khiến doanh nghiệp dệt may Việt Nam có biên lợi nhuận ròng thấp (từ 1% - 5%), vừa xảy ra rủi ro thường nhật là cạnh tranh đơn hàng giữa các doanh nghiệp trong nước do không doanh nghiệp nào có lợi thế nổi trội, nhất là trong bối cảnh đơn hàng giảm sút từ nửa cuối năm 2022 đến nay. Đồng thời, đối tác dễ dàng chuyển một phần lượng đặt hàng từ Việt Nam sang các quốc gia khác có chi phí thấp hơn.

Ngành dệt nhuộm trong nước chưa đủ khả năng cạnh tranh: Trong 3 công đoạn chính của chuỗi giá trị ngành dệt may (Xơ sợi – Dệt nhuộm – Cắt may) thì công đoạn Dệt nhuộm của ngành dệt may Việt Nam hiện được đánh giá là chậm phát triển nhất, gây ra điểm nghẽn cho toàn chuỗi. Trình độ kỹ thuật Dệt nhuộm của Việt Nam cũng được đánh giá là thấp hơn các quốc gia trong khu vực.

Cơ cấu chi phí doanh nghiệp dệt may Việt Nam(Nguồn: Báo cáo tài chính các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, BVSC tổng hợp)

Việc thiếu nguồn vải nội địa do công đoạn Dệt nhuộm yếu kém lại càng khiến các doanh nghiệp phải tuân theo chỉ định của khách hàng về nguồn vải nhập khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp buộc phải xuất khẩu vải thô và nhập khẩu vải đã qua xử lý về để sử dụng, càng khiến biên lợi nhuận bị bào mòn. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, số doanh nghiệp phụ trợ dệt may hiện chỉ chiếm 15% tổng số doanh nghiệp toàn ngành, trong đó 13% là doanh nghiệp dệt nhuộm và 2% là doanh nghiệp xơ sợi.

Ngoài ra, việc áp dụng thuế quan nhập khẩu đối với nguyên vật liệu dệt may hầu như bằng 0%. Theo BVSC nhận định, đây là con dao hai lưỡi đối với ngành dệt may Việt Nam. Thuế quan nhập khẩu thấp giúp doanh nghiệp may mặc có thể tiếp cận nguồn nguyên vật liệu đa dạng với chi phí thấp. Mặt khác, việc này càng khiến cho nguồn cung vải nội địa khó cạnh tranh cả về mẫu mã lẫn giá bán với các nguồn nhập khẩu đến từ các nước có nền công nghiệp phụ trợ dệt may phát triển.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/