Chuẩn bị đầy đủ, tránh chồng chéo về chính sách chuyển đổi xanh

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc chuyển đổi xanh, đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững là xu thế tất yếu, nhưng vẫn còn không ít quan ngại khi chính sách được áp dụng khi chưa được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng.

Theo Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2023 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, trước yêu cầu chuyển đổi xanh, gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và quy định pháp luật dành cho lĩnh vực này.

Trong đó, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) mở rộng trách nhiệm môi trường của nhà sản xuất đến tận giai đoạn thải bỏ sản xuất, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường. EPR là một chính sách lớn, tác động đến rất nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực sản xuất quan trọng và không tránh khỏi tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.

Nhưng theo các doanh nghiệp, quy định về EPR được quy định chỉ vỏn vẹn một điều tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020, với chỉ gần 300 từ. Với dung lượng khiêm tốn, quy định tại Luật gần như không có thông tin gì đáng kể, chỉ quy định rằng doanh nghiệp có trách nhiệm này

Theo đại diện Ban Pháp chế (VCCI), quy định trên là “3 không”: Không có nội dung về sản phẩm thuộc diện tái chế, các doanh nghiệp không rõ có thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định hay không để đóng góp cho chính sách; không có nội dung về cơ chế vận hành, các doanh nghiệp không có nội dung gì để nghiên cứu, đóng góp ý kiến; không có đánh giá tác động chính sách. Điều này khiến trách nhiệm đặt lên vai doanh nghiệp trong sự “mù mờ”.

Chuẩn bị đầy đủ, tránh chồng chéo về chính sách chuyển đổi xanh
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) giúp thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Ảnh: ST

Một vấn đề khác liên quan đến chuyển đổi xanh là các quy định về định mức chi phí tái chế Fs. Theo VCCI, việc xác định định mức Fs cần được xác định thông qua nghiên cứu khảo sát dữ liệu chi phí của các doanh nghiệp tái chế. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã thực hiện nghiên cứu này.

Nhưng báo cáo của VCCI nêu rõ, vấn đề là tài liệu công khai không bao gồm nghiên cứu này, tất cả những gì doanh nghiệp biết là các con số giá trị Fs – “phần ngọn”, còn “phần gốc” phương pháp nghiên cứu lại không được công khai. Việc không công khai nghiên cứu làm các doanh nghiệp lo lắng. Doanh nghiệp không có căn cứ cụ thể nào để xác định xem số liệu nào là phù hợp, số liệu nào chưa.

Cùng với những vấn đề trên, theo phản ánh từ các doanh nghiệp, định mức chi phí tái chế Fs chưa phù hợp với mục tiêu hỗ trợ tái chế mà quy định đang hướng đến, khi mà yêu cầu doanh nghiệp đóng tiền hỗ trợ với cả các hoạt động tái chế có lợi nhuận. Trong khi thực tế, nhiều loại bao bì như nhôm, sắt, giấy carton... hiện đang mang lại lợi nhuận cho các nhà tái chế, dù chưa có hỗ trợ từ cơ chế EPR. Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải nộp tiền để hỗ trợ các hoạt động đã có lợi nhuận dường như đi ngược lại vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Ngoài ra, theo VCCI, việc thiết kế mức phí nộp EPR đánh đồng giữa các loại bao bì chưa có giữa bao bì thân thiện môi trường và các loại khác. Trong khi nếu cùng nộp một mức phí, doanh nghiệp không có động lực để thay đổi thiết kế, mẫu mã bao bì theo hướng thân thiện với môi trường hơn.

Nói thêm về vấn đề này, theo ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng nhóm kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EPR là vấn đề lớn có tác động đến toàn xã hội. Ước tính tại Việt Nam, chỉ với 3 loại bao bì là kim loại, nhựa và giấy đã đóng góp tái chế khoảng 6000 tỷ đồng/năm. Tổng phí EPR lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo gánh nặng lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong khi quy định sử dụng quỹ đóng góp này như thế nào vẫn chưa có.

Về chi phí tái chế Fs, ông Nguyễn Hồng Uy cho hay, theo quy định hiện nay, Bộ TNMT hướng dẫn các doanh nghiệp kê khai trước 30/3/2024 cho số lượng nhập khẩu, sản xuất của năm 2023. Nộp tiền tối thiểu 50% trước 20/4/2024 và còn lại trước 20/10/2024. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng hướng dẫn này chưa phù hợp với Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường với quy định EPR có hiệu lực từ 1/1/2024. Theo đó, các sản phẩm sản xuất, nhập khẩu của năm 2023 chưa phải thực hiện trách nhiệm tái chế, nên việc bắt buộc kê khai và đóng góp tài chính để tái chế các sản phẩm sản xuất, nhập khẩu của năm 2023 là không phù hợp với Nghị định.

Cũng liên quan đến chuyển đổi xanh, về vấn đề giảm phát thải khí nhà kinh, theo báo cáo của VCCI, có sự “trùng lặp” giữa hệ thống pháp luật về tiết kiệm năng lượng và pháp luật về giảm khí nhà kính. Về chủ thể, các doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng cũng chiếm phần lớn trong số các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính. Về trách nhiệm, các biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng chính là các biện pháp mà doanh nghiệp có thể thực hiện để giảm thiểu khí nhà kính.

Do sự “trùng lặp này”, các doanh nghiệp phải thực hiện đồng thời nghĩa vụ của 2 quy định, vừa phải kiểm toán năng lượng bắt buộc, xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; vừa phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm phát thải và đo đạc kết quả giảm phát thải theo Luật Bảo vệ môi trường. VCCI cho rằng, việc này khiến doanh nghiệp tốn kém hai lần chi phí, thời gian.

Nên báo cáo của VCCI đưa ra khuyến nghị, trước khi ban hành thêm các quy định về chuyển đổi xanh, có lẽ cần rà soát lại các quy định hiện có để có hướng xử lý thống nhất và đồng bộ giữa các quy định, tránh tạo ra khoảng trùng lặp, chồng chéo nghĩa vụ cho doanh nghiệp.

Nguồn: Haiquanonline.com.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/