|
Hoạt động nghiệp vụ của công chức Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: N.Linh |
|
Bãi bỏ toàn bộ Điều 35
Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Nguyễn Bắc Hải, để công tác quản lý nhà nước về hải quan thống nhất, căn cứ bản chất giao dịch của hàng hoá thì cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Điều 35 Nghị định số 08.
Đối với quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 35 sẽ chuyển hoá vào các điều tương ứng quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) liên quan đến hoạt động nhận gia công cho thương nhân nước ngoài, để phù hợp với hệ thống pháp luật về thương mại và quản lý ngoại thương và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan với nội địa, để phù hợp với quy định Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Hải quan và Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; đồng thời bỏ điểm c khoản 1 Điều 35 (Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam). Như vậy đồng nghĩa với việc bãi bỏ toàn bộ Điều 35 tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.
Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, khi bãi bỏ toàn bộ Điều 35 tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, đối với trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 35 sẽ chuyển hoá vào các điều tương ứng quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC).
Về lâu dài, để đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan, không phân biệt đối xử về chính sách đối với các giao dịch hàng hoá có cùng bản chất, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét bỏ quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ đối với hàng hoá gia công cho thương nhân nước ngoài quy định tại Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương và các Nghị định hướng dẫn thi hành vì bản chất hàng hoá gia công thuộc sở hữu của bên đặt gia công (bên nước ngoài), khi bán, tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thì thực hiện theo hợp đồng mua bán thương mại và hoạt động này không khác với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.
Việc bỏ quy định này đồng nghĩa với việc phải rà soát, bãi bỏ đồng bộ các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu tại chỗ đang được quy định tại các pháp luật khác liên quan như: rà soát kiến nghị sửa đổi Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương để bỏ hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài; rà soát sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế GTGT liên quan đến quy định về đối tượng chịu thuế, hoàn thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu tại chỗ.
Chính sách thay thế thế nào?
Bên cạnh đó, Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng nêu phương án chính sách thay thế việc làm thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ để phù hợp với bản chất, đây là hoạt động mua bán trong nội địa, cơ quan thuế nội địa chịu trách nhiệm quản lý và thu thuế thông qua hoạt động này.
Cụ thể, trường hợp hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài nhưng được thương nhân nước ngoài bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam thì bên nhận gia công hoặc thương nhân Việt Nam khác mua sản phẩm gia công của thương nhân nước ngoài và bán hàng hoá cho thương nhân khác tại Việt Nam thì thực hiện theo giao dịch mua bán giữa hai doanh nghiệp trong nội địa; bên nhận gia công phải chuyển đổi mục đích sử dụng đối với hàng hoá gia công, nộp thuế nhập khẩu và các khoản thuế khác như hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
Trường hợp hàng hóa được sản xuất từ nguồn nguyên liệu nhập sản xuất xuất khẩu đã được miễn thuế nhập khẩu phát sinh giao dịch với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài nhưng được chỉ định giao hàng tại Việt Nam thì hoạt động giao dịch này thực hiện như hai doanh nghiệp trong nội địa; doanh nghiệp nhập sản xuất xuất khẩu thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu được miễn thuế, nộp đầy đủ các khoản thuế theo quy định.
Với hai trường hợp trên để thu được thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các giao dịch mua bán phát sinh doanh thu tại Việt Nam thì thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam phải ký hợp đồng với đại lý tại Việt Nam để thực hiện việc thu thuế liên quan.
Trường hợp kinh doanh thương mại thuần tuý, thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam ký hợp đồng đại lý hoặc sử dụng hoá đơn giá trị giá tăng, trên hoá đơn GTGT ghi rõ mã số thuế/tên thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và mã số thuế/tên doanh nghiệp Việt Nam được chỉ định nhận hàng tại Việt Nam.
Theo Cục Giám sát quản về hải quan, những thay đổi đó đảm bảo quản lý đúng bản chất, giao dịch hàng hóa được mua bán tại Việt Nam; thực hiện thu thuế nhập khẩu đối với hàng hoá gia công, sản xuất xuất khẩu khi chuyển mục đích sử dụng.
Tuy nhiên nhược điểm là cần thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế, cơ quan ngân hàng trong thanh toán quốc tế. Doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu phải thực hiện nộp thuế, thanh toán trước khi thực hiện giao hàng hoá cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam. Hơn nữa, cơ quan quản lý cũng phải tính về vấn đề hoàn thuế được xử lý như thế nào nếu nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu nhưng không tiêu dùng trong nước mà đã thực xuất khẩu.
Nguồn:Haiquanonline.com