|
Điều kiện áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi |
Hiệp định Thương mại Hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Hàn Quốc (sau đây gọi tắt là Hiệp định AKFTA) được ký giữa các nước ASEAN và Hàn Quốc ngày 24/8/2006 tại Cộng hòa Philippines và được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê duyệt tại công văn số 1743/TTg-QHQT 30/10/2006 và có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2007.
Để thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế nhập khẩu trong Hiệp định AKFTA, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Đối với giai đoạn 2018-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2018-2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Việc ban hành Nghị định số 157/2017/NĐ-CP đã thực hiện theo đúng lộ trình cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo quy định của Hiệp định AKFTA và theo Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm, và góp phần hỗ trợ công tác thống kê hải quan về xuất nhập khẩu, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường kinh doanh minh bạch về thuế suất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan Hải quan trong triển khai thực hiện.
Ngày 8/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP phê duyệt danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2022 (Danh mục AHTN 2022). Nhằm thực hiện thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam triển khai Danh mục AHTN 2022 và để tiếp tục thực hiện cam kết về thuế xuất nhập khẩu trong Hiệp định AKFTA, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 125/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định AKFTA giai đoạn 2022-2027.
Đảm bảo tính thống nhất trong thực thi cũng như duy trì tính ổn định của quy phạm pháp luật, các điều kiện, quy định tại Nghị định 119/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 cơ bản kế thừa các quy định trước đây. Theo đó, tương tự quy định tại các Nghị định của Chính phủ về biểu thuế của Việt Nam để thực hiện các FTA hiện hành, Nghị định này quy định các điều kiện để hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định AKFTA gồm: thuộc biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa (bao gồm cả quy định về vận chuyển trực tiếp), có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu AK hoặc có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, theo quy định của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc và theo quy định hiện hành của pháp.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho hàng hóa của Việt Nam sản xuất ở khu phi thuế quan, Nghị định 119/2022/NĐ-CP tiếp tục bảo lưu quy định tại Nghị định số 157/2017/NĐ-CP cho đối tượng này. Theo đó, cho phép áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước trong trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện tương tự như hàng hóa nhập khẩu từ thành viên của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc vào Việt Nam.
Tiếp tục triển khai các cam kết thuế quan cho giai đoạn 2022 - 2027
Về cơ bản, phần lớn các mã hàng trong Biểu thuế không thay đổi so với Biểu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 157/2017/NĐ-CP hiện hành. Như vậy, việc ban hành Nghị định không phát sinh tác động đến việc thực thi các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định đồng thời đảm bảo tính ổn định của biểu thuế ưu đãi đặc biệt, cũng như không ảnh hưởng đến thu ngân sách và các chính sách quản lý hoạt động sản xuất trong nước cũng như các chính sách quản lý mặt hàng.
Về tổng thể, Biểu thuế AKFTA theo AHTN 2022 giai đoạn 2022-2027 gồm 11.447 dòng thuế (bao gồm 264 dòng thuế CKD), trong đó gồm 11.386 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 61 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số. Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định AKFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện là thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước thành viên của Hiệp định AKFTA bao gồm cả hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa hoặc có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của Hiệp định AKFTA.
Cam kết cắt giảm thuế của Việt Nam Hiệp định AKFTA hoàn thành vào năm 2021, do vậy, thuế quan trong Biểu thuế ban hành không có sự thay đổi từ năm 2022 trở về sau. Về cơ bản, phần lớn các mã hàng trong Biểu thuế không thay đổi so với Biểu thuế theo Nghị định số 157/2017/NĐ-CP hiện hành. Như vậy, việc ban hành Nghị định không phát sinh tác động đến việc thực thi các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định AKFTA đồng thời đảm bảo tính ổn định của biểu thuế ưu đãi đặc biệt.
Các nội dung quy định của Nghị định số 119/2022/NĐ-CP ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định AKFTA giai đoạn 2022-2027 về cơ bản kế thừa quy định tại các Nghị định số 157/2017/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2018-2022. Trong quá trình thực thi Nghị định, Bộ Tài chính không ghi nhận trường hợp doanh nghiệp và cơ quan Hải quan gặp vướng mắc với các quy định của Nghị định.
Để thuận tiện cho công tác tra cứu và thực thi, Nghị định số 119/2022/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2022 – 2027 đã được đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật cũng như Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.
Việc ban hành Nghị định biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định AKFTA là công tác hoàn thiện việc xây dựng thể chế để tiếp tục triển khai thực hiện các cam kết thuế quan của Việt Nam, thực hiện các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo về công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này cũng thể hiện tính tuân thủ của Việt Nam đối với các cam kết quốc tế, là đối tác, bạn hàng đáng tin cậy. Bên cạnh đó, việc ban hành Nghị định biểu thuế AKFTA giai đoạn 2022 -2027 góp phần tiếp tục tạo thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại giữa ASEAN (trong đó có Việt Nam) và Hàn Quốc, dự kiến sẽ tiếp tục đem lại những hiệu ứng tích cực cho phát triển kinh tế Việt Nam.