Áp dụng đồng bộ tại các cửa khẩu đường đường bộ, đường thủy nội địa
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan xây dựng và hoàn thiện Hệ thống khai báo, tiếp nhận, xử lý Bản kê thông tin hàng hoá nhập khẩu và bổ sung một số chức năng hỗ trợ người dùng cũng như cơ quan Hải quan thực hiện công tác quản lý, giám sát phương tiện vận tải nhập cảnh, hàng hoá nhập khẩu đưa vào đưa ra khu vực cửa khẩu.
Hệ thống đã có những ưu điểm vượt trội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện khai báo điện tử, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí và nhân lực cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan Hải quan.
Như vậy, tại các cửa khẩu đường bộ, đường thủy nội địa, cơ quan Hải quan và doanh nghiệp sẽ thực hiện việc khai báo thông tin trước hàng hóa nhập, xác nhận hàng nhập khẩu vào khu vực cửa khẩu trên Hệ thống từ ngày 20/4/2023 (chỉ tiếp nhận Bản kê thông tin trước về phương tiện nhập cảnh và hàng hoá nhập khẩu chở trên phương tiện nhập cảnh trên giấy trong trường hợp Hệ thống khai báo điện tử gặp sự cố hoặc phát sinh trường hợp khác nằm ngoài các trường hợp đã có trên Hệ thống khai báo điện tử).
Chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải, người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền (chủ hàng hoặc đại lý hải quan được chủ hàng ủy quyền) thực hiện việc khai báo Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam theo các chỉ tiêu thông tin thông qua Hệ thống như sau:
Địa chỉ Hệ thống khai báo chỉ tiêu thông tin của Bản kê: https://banke.customs.gov.vn/ktdb
Tên và Mật khẩu đăng nhập hệ thống: Thông tin Tên và Mật khẩu đăng nhập của Doanh nghiệp giống như thông tin đăng nhập vào Hệ thống VNACCS.
Giảm thời gian và nhân lực
So sánh việc khai báo Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu trước và nay khi triển khai trên hệ thống có sự thay đổi lớn.
Với cơ quan Hải quan, nếu như trước khi triển khai hệ thống, cơ quan Hải quan phải kiểm tra thông tin Bản kê do doanh nghiệp khai báo và nộp, đóng dấu công chức tiếp nhận; tiếp nhận và xác nhận hàng vào cửa khẩu trên bản khai giấy.
Cơ quan Hải quan cần một công chức tiếp nhận và một công chức giám sát tại cửa khẩu để xác nhận bản kê đã được vào cửa khẩu, đồng thời phải lưu hồ sơ bản giấy.
Tuy nhiên, khi khai báo điện tử, hệ thống tự động tiếp nhận, kiểm tra và trả kết quả cho người khai. Hệ thống cũng tiếp nhận số bản kê/mã barcode, tra cứu trên Hệ thống và xác nhận trên hệ thống. Về nhân lực, cơ quan Hải quan chỉ cần bố trí một công chức giám sát tại cửa khẩu xác nhận Bản kê đã được vào cửa khẩu trên hệ thống. Đặc biệt không phải lưu hồ sơ giấy.
Đối với người khai hải quan, nếu như thời gian trước, khi khai bản giấy người khai hải quan phải thực hiện khai và nộp tại cửa khẩu. In bản kê, nộp bản kê cho cơ quan Hải quan để xác nhận tiếp nhận (trường hợp khai sai, khai chưa đủ sẽ phải khai báo lại từ đầu), xác nhận vào cửa khẩu. Trường hợp khai sai phải in bản kê khai lại nhiều lần và hồ sơ phải lưu bản giấy.
Tuy nhiên, khi khai báo điện tử, người khai hải quan có thể khai và nộp tại bất kì điểm nào có kết nối Internet. Hệ thống tự động tiếp nhận và trả kết quả cho người khai hải quan. Người khai chỉ cần sử dụng kết quả và cung cấp số bản kê/mã barcode cho cơ quan Hải quan để xác nhận hàng vào cửa khẩu.
Người khai hoàn toàn chủ động, lưu thông tin, khai báo sửa đổi bổ sung trước khi nộp lên hệ thống, không cần in bản kê để chờ cơ quan Hải quan đóng dấu xác nhận. Đặc biệt, khi khai điện tử, người khai hải quan không phải lưu hồ sơ giấy.
Việc khai báo, tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu điện tử được đánh giá là góp phần ngăn chặn việc đưa hàng cấm vào Việt Nam, hàng hoá không đáp ứng yêu cầu chất lượng, vệ sinh và giấy phép do gắn trách nhiệm người nhập khẩu từ khi chưa đưa hàng hoá vào Việt Nam. Đồng thời kết nối được các khâu trong chuỗi dây chuyền thủ tục nhất là hàng hoá vận chuyển độc lập, từ đó đảm bảo hiệu quả quản lý hải quan. Không còn xảy ra việc đưa hàng hoá vào Việt Nam mà không rõ chủ hàng, người nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan có thể kiểm soát, cập nhật tình hình phương tiện và hàng hoá nhập khẩu vào các cửa khẩu theo thời gian thực để từ đó có những biện pháp, điều chỉnh và quản lý hiệu quả; có đủ thông tin trước để đánh giá rủi ro các lô hàng nhập khẩu.
Nguồn:Haiquanonine.com.vn