Luật Giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Đồng bộ với đó là các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời đã tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá của Nhà nước.
Tuy nhiên, tại một số Bộ Luật, Luật khác cũng có quy định về giá. Trong đó có những quy định trùng lặp nhưng cũng có những quy định mở rộng hơn, thậm chí một số quy định gây ra chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Giá.
Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, các quy định được đưa ra đã khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 9 năm thi hành Luật Giá, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật dân sự kinh tế liên quan nhằm củng cố hành lang pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện. |
Đầu tiên phải kể đến các quy định liên quan đến định giá nhà nước. Bộ Tài chính chỉ ra rằng, danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định tại Luật Giá là nhằm tránh việc lạm dụng có phát sinh không thực sự cần thiết. Đồng thời với việc quy định về danh mục là các quy định về thẩm quyền (phân công, phân cấp), hình thức định giá, phương pháp định giá, quy trình định giá và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế, khi xây dựng các luật chuyên ngành, đã có những quy định liên quan đến định giá nhà nước dẫn đến sự trùng lặp, mâu thuẫn, chồng chéo. Cụ thể như quy định thêm về hàng hóa, dịch vụ áp dụng định giá nhà nước ngoài danh mục tại Luật Giá, Luật Giao thông đường bộ bổ sung giá dịch vụ ra, vào bến xe do UBND tỉnh quy định (Điều 83); Luật Đường sắt năm 2017 bổ sung giá dịch vụ vận tải hành khách, hành khách trên đường sắt đô thị do UBND cấp tỉnh quy định (điều 56, Điều 67); Luật Đấu giá tài sản năm 2016 bổ sung khung giá thù lao dịch vụ đấu giá tài sản do Bộ Tài chính quy định (Điều 78)...
Bộ Tài chính cho rằng, việc các Luật quy định bổ sung danh mục mặc dù đều xuất phát từ yêu cầu cấp thiết đáp ứng các yêu cầu thực tiễn trong quản lý nhà nước song cũng dẫn đến tình trạng danh mục hàng hóa, dịch vụ định giá được bổ sung bị trùng lặp, chồng chéo tại nhiều Luật, thậm chí tại cả các nghị định, thông tư dẫn đến hạn chế cho việc kiểm soát, theo dõi, tổng hợp, tập trung. Trong khi theo quy định, khi điều chỉnh danh mục, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện nay, hàng hóa, dịch vụ được quy định bổ sung tại luật chuyên ngành chưa đảm bảo phù hợp các nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá được quy định tại Điều 19 Luật Giá. Qua rà soát, đánh giá cho thấy, một số mặt hàng được bổ sung chưa đảm bảo các nguyên tắc tại Luật Giá như dịch vụ ra, vào bến xe; 9 dịch vụ hàng không khác tại Thông tư 36/2015/TT-BGTVT, giá dịch vụ phục vụ hỗ trợ hoạt động giao dịch, thù lao dịch vụ đấu giá tài sản...
Đáng chú ý, hiện nay đang thiếu các quy định đồng bộ về hình thức, thẩm quyền định giá khi có quy định bổ sung hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá ngoài danh mục. Cũng như chưa có sự thống nhất về quy trình thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định giá giữa pháp luật chuyên ngành với Luật Giá. Cụ thể, Luật Giá quy định giao Chính phủ quy định chi tiết quy trình định giá, nhưng trong một số trường hợp, tại các luật chuyên ngành, bên cạnh việc quy định thêm hàng hóa, dịch vụ còn quy định cả quy trình định giá và chưa thống nhất với quy trình tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP. Ví dụ việc định giá điện, theo quy định tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP, Bộ Công thương xây dựng phương án giá và trình Chính phủ sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính; Tuy nhiên theo Luật Điện lực thì Bộ Công Thương chỉ phải lấy ý kiến tham gia Bộ Tài chính về phương án giá.
Nhận định về những bất cập này, Bộ Tài chính cho rằng, việc quy định có phương pháp định giá riêng nhưng không có quy định điều kiện để giới hạn việc xây dựng, ban hành đã dẫn đến một số trường hợp ban hành phương pháp riêng nhưng thực chất chính là phương pháp chi phí kết hợp với việc hướng dẫn chi tiết hơn ở việc xác định một số khoản chi phí đặc thù là không cần thiết. Nếu tiếp tục thực hiện theo nguyên tắc này có thể dẫn đến không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khó tránh có xung đột pháp luật. Việc giao các bộ, ngành hướng dẫn phương pháp định giá riêng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý sẽ dẫn đến việc nhiều phương pháp được quy định rải rác tại pháp luật chuyên ngành và sẽ khó kiểm soát, ảnh hưởng đến việc áp dụng trong thực tiễn, thậm chí xảy ra chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu sự thống nhất với các nguyên tắc cơ bản tại phương pháp định giá chung.
Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất nguyên tắc về việc ưu tiên áp dụng Luật Giá trong trường hợp có quy định khác nhau về một số vấn đề có tính chất nguyên tắc tại Luật Giá. Cụ thể, Dự thảo quy định“trường hợp Luật khác có quy định về hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, thẩm quyền và trách nhiệm định giá; thẩm định giá thì thực hiện theo quy định tại Luật này (dự thảo Luật Giá sửa đổi nếu được thông qua)”.