|
Tất cả trường hợp được làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm đều được làm thêm từ trên 40 giờ đến 60 giờ trong 1 tháng kể từ ngày 1/4/2022. Ảnh: Xuân Thảo
|
Triển khai Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các cơ quan liên quan phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết trên địa bàn quản lý.
Cụ thể, các trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm đối với một số ngành nghề, công việc hoặc các trường hợp. Trong số này có ngành sản xuất, gia công sản xuất sản phẩm hàng dệt may, da giày, điện, điện tử, chế biến nông lâm, diêm nghiệp, thủy sản; Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp, thoát nước...
Tất cả trường hợp được làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm đều được làm thêm từ trên 40 giờ đến 60 giờ trong 1 tháng kể từ ngày 1/4/2022.
Khi tổ chức thực hiện quy định về số giờ làm thêm theo Nghị quyết vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác về làm thêm giờ tại Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động (quy định về giới hạn số giờ làm thêm trong ngày; tiền lương phải trả khi làm thêm giờ; các nội dung về sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm; thông báo khi tổ chức làm thêm trên 200 giờ trong 1 năm;...).
Khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 1 năm, người sử dụng lao động phải thông báo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bắt đầu có hiệu lực từ 1/4/2022.