Nhiều bộ nêu vướng mắc về thực hiện Nghị định 43 về ghi nhãn hàng hóa

Quá trình thực hiện Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa, nhiều bộ, ngành phản ánh về khó khăn và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh nội dung ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, cách ghi xuất xứ hàng xuất khẩu dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện, kiểm tra, xử lý.

Mặt khác, việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu gặp vướng mắc khi không quy định rõ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn gốc tại thời điểm làm thủ tục hải quan khiến cơ quan Hải quan gặp khó khăn trong việc xử lý.

Từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa là rất cần thiết và cấp thiết.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.

Do đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu bổ sung tại Nghị định 43 quy định điều chỉnh ghi nhãn hàng hóa đối với hàng xuất khẩu, cách ghi xuất xứ hàng xuất khẩu và thể hiện nội dung bắt buộc trên nhãn gốc hàng hóa nhập khẩu.

Trong khi đó, Bộ Công Thương nêu quan điểm việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày và các Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, văn bản pháp luật chưa có quy định về việc thể hiện xuất xứ Việt Nam trên hàng hóa, bao bì hàng hóa xuất khẩu, do đó gây vướng mắc cho cơ quan Hải quan trong việc thực hiện, kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm xuất xứ hàng hóa Việt Nam.

Bộ Công Thương kiến nghị rà soát sửa đổi Nghị định 43, đồng thời cân nhắc các đối tượng thuộc phạm vi áp dụng nhằm tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xử lý đối với các sản phẩm, hàng hóa như: hàng xuất khẩu, nhập khẩu, các sản phẩm bao gói không hoàn chỉnh…

Liên quan đến thực hiện Nghị định 43, Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định ghi thông tin dinh dưỡng trên nhãn hàng hóa của sản phẩm thực phẩm được quy định tại khoản 1 Điều 10, Nghị định 43 như sau “nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa của các thực phẩm đóng gói cần có thêm thông tin về dinh dưỡng (nhãn dinh dưỡng) gồm: Tổng năng lượng; tổng lượng chất béo trong đó có chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa; tổng lượng carbonhydrat; đường; đạm; muối và có so sánh với nhu cầu khuyến nghị hằng ngày”.

Theo Bộ Y tế, quy định như đề xuất trên nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng trong tình hình hiện nay.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP như sau: bổ sung thêm quy định phải dán nhãn phụ đồng thời lên hàng hóa và bao bì thương phẩm của hàng hóa nhóm 2, hàng hóa liên quan đến thiết bị y tế và bảo vệ môi trường.

Bổ sung thêm các quy định, chế tài để xử lý các trường hợp nhãn phụ ghi sai thông tin của hàng hóa, nhãn hàng hóa được in từ nước ngoài có các thông tin thể hiện hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.

Bổ sung nội dung thể hiện mã số, mã vạch, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy theo hướng sử dụng phần mềm để truy xuất nguồn gốc, quản lý quy cách, chất lượng sản phẩm.

Với mục tiêu, để hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm phòng chống gian lận thương mại, bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công an kiến nghị bổ sung “hàng hóa xuất khẩu” thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 43, vì quy định như hiện nay dễ dẫn đến việc bị lợi dụng sản xuất hàng giả, kém chất lượng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong nhóm các mặt hàng có nguy cơ giả mạo xuất xứ cao có các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực ICT như máy vi tính; điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; điện thoại và linh kiện… Vì vậy, việc ghi nhãn hàng hóa đối với mặt hàng này rất quan trọng để người tiêu dùng cũng như đối tác nhập khẩu biết rõ mặt hàng này có xuất xứ từ đâu, tránh hành vi gian lận thương mại.

Trong khi đó nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa quy định tại Điều 10 Nghị định 43 đối với nhóm hàng hóa nói trên chưa cụ thể. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa đối với xuất xứ của các sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, trong cấu thành sản phẩm có linh kiện, thiết bị nào có giá trị chiếm từ 25% giá trị sản phẩm trở lên thì trong xuất xứ sản phẩm phải ghi rõ xuất xứ của những linh kiện, thiết bị đó một cách rõ ràng để người sử dụng/nhập khẩu biết trước khi quyết định mua bán, sử dụng.

Nguồn:Haiquanonline.com.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/