Chấp nhận C/O sử dụng chữ ký và con dấu điện tử
Trên cơ sở đề nghị của một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước đối tác đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và kiến nghị phản ánh vướng mắc của DN, Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư quy định về việc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus Corona để phù hợp với thực tiễn quản lý và thương mại.
Dự thảo Thông tư đưa ra một số quy định quan trọng như: Thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và thời hạn áp dụng.
Theo đó, về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, dự kiến quy định: Người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, người khai hải quan khai bổ sung và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Người khai hải quan khai theo mức thuế suất thuế NK ưu đãi tối huệ quốc (MFN) hoặc thông thường. Khi khai, nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn theo quy định, người khai hải quan khai bổ sung theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt tương ứng, được hoàn trả số tiền thuế chênh lệch đã nộp.
Về hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa dự thảo đưa ra các quy định cụ thể. Đối với hàng hóa nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, cơ quan Hải quan chấp nhận C/O sử dụng chữ ký và con dấu điện tử với điều kiện cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu có thông báo về việc cấp C/O sử dụng chữ ký và con dấu điện tử và cung cấp trang điện tử tra cứu C/O hoặc hình thức tra cứu khác về C/O.
Cơ quan Hải quan kiểm tra tính hợp lệ của C/O trên trang điện tử của cơ quan cấp để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định và in một bản C/O trên hệ thống do cơ quan cấp C/O cung cấp để lưu hồ sơ.
Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng chấp nhận bản chụp/bản scan C/O với điều kiện cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu thông báo về việc sử dụng bản chụp/bản scan của bản chính C/O và cung cấp bản chụp/bản scan C/O hoặc hình thức kiểm tra khác cho cơ quan để xác định tính hợp lệ của C/O.
Người khai hải quan nộp bản chụp/bản scan C/O cho cơ quan Hải quan. Cơ quan Hải quan căn cứ bản chụp/bản scan hoặc hình thức kiểm tra khác do cơ quan cấp cung cấp kiểm tra tính hợp lệ C/O để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải nộp cho cơ quan Hải quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 38/2018/TT-BTC, dự kiến thông tư quy định: Người khai hải quan nộp bản chính C/O cho cơ quan Hải quan. Trường hợp người khai hải quan chưa có bản chính C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan nộp bản chụp/bản scan C/O.
Cơ quan Hải quan căn cứ bản chụp/bản scan, hồ sơ hải quan, thực tế hàng hóa, hành trình lô hàng và những thông tin khác có liên quan để kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa theo quy định.
Về thời hạn áp dụng, dự kiến áp dụng từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19: từ ngày 23/1/2020 cho đến khi Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hết dịch Covid-19.
Bộ, ngành đồng thuận gỡ vướng
Trên cơ sở các nội dung dự kiến của Bộ Tài chính, nhiều bộ (Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư…) nhất trí nội dung dự thảo thông tư. Bên cạnh đó, các bộ cũng đóng góp thêm các ý kiến phù hợp với thực tiễn.
Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, một số nước áp dụng giải pháp cách ly, phong tỏa xã hội dẫn đến việc người khai hải quan không thể nộp chứng nhận xuất xứ đúng thời hạn quy định. Do vậy, việc xây dựng dự thảo Thông tư quy định về việc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa NK áp dụng trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus Corona là cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng; thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để hoàn thiện dự thảo
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc ban hành thông tư là cần thiết, tạo giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn dịch Covid đang diễn ra trên toàn thế giới, tuy nhiên, cần cân nhắc thêm về thời hạn áp dụng.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành và cơ quan liên quan, Bộ Tài chính hoàn thiện để ban hành thông tư tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Thông tư đã trình Bộ Tài chính để ký ban hành.