Tiêu hủy nguyên vật liệu dư thừa của quá trình gia công cần thủ tục gì?
Doanh nghiệp thắc mắc việc tiêu hủy nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế thải, phế liệu, phế phẩm của loại hình gia công được quy định và thủ tục liên quan đến quá trình gồm những bước gì?
Công ty Luật TNHH Shin & Kim (Việt Nam) thắc mắc, DN chúng tôi là DN gia công hàng may mặc và XK 100%, sau khi thực hiện quá trình gia công, DN tiêu hủy các loại mảnh vải vụn thông qua DN thu gom xử lý rác. Tuy nhiên, do gia công được thực hiện đồng thời bằng hàng chục loại nguyên vật liệu nên trên thực tế, hàng tuần, DN khó có thể kiểm tra những mảnh vải vụn theo từng nguyên vật liệu nhập cho từng hợp đồng và thông báo cho cơ quan Hải quan giám sát việc tiêu hủy này.
|
Ảnh minh họa. (Trong ảnh là hoạt động sản xuất XK của Công ty Happytex Việt Nam). Ảnh: H.Nụ |
Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, do nội dung câu hỏi chưa rõ DN vướng mắc và đề xuất gì trong quá trình tiêu hủy nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế phải, phế liệu, phế phẩm của loại hình gia công nên Tổng cục Hải quan chưa có cơ sở trả lời cụ thể nội dung câu hỏi của DN.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế thải, phế liệu, phế phẩm; máy móc, thiết bị thuê, mượn, đề nghị DN thực hiện theo quy định tại Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 42 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018).
Theo đó, đối với trường hợp tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm thì thực hiện như sau:
Tổ chức, cá nhân có văn bản gửi chi cục hải quan nơi NK nguyên liệu, vật tư phương án sơ hủy, tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm, trong đó nêu rõ hình thức, địa điểm tiêu hủy. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cơ quan Hải quan giám sát việc tiêu hủy, phế liệu, phế phẩm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.
Cơ quan Hải quan thực hiện giám sát trực tiếp việc tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trừ trường hợp nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị tiêu hủy có trị giá dưới 1 triệu đồng hoặc số tiền thuế dưới 50 nghìn đồng.
Trường hợp cơ quan Hải quan giám sát trực tiếp việc tiêu hủy, khi kết thúc tiêu hủy, các bên tiến hành lập biên bản xác nhận việc tiêu hủy.
Nguồn: Hải quan Online