Tài liệu Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, chuẩn bị cho việc thông qua vào kỳ họp thứ 8 khai mạc 21/10 tới đây. Và, có một điều khá đặc biệt ở lần xin ý kiến này.
Thông thường đa số dự án luật được thông qua bởi quy trình hai kỳ họp. Dự án luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, sau đó những vấn đề lớn đều được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận, có khi hơn một lần, và tiếp thu, giải trình để Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp kế tiếp.
Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) với 170 ý kiến thảo luận ở tổ và 26 đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường.
Sau kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, lấy ý kiến, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo bộ luật.
Tại phiên họp thứ 36 (tháng 8/2019) và phiên họp thứ 37 (tháng 9/2019), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án bộ luật, chỉ đạo việc hoàn thiện dự thảo bộ luật để gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội.
Nhưng, lần gửi xin ý kiến này không chỉ có dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo bộ luật như thông lệ mà còn có rất nhiều tài liệu khác kèm theo.
Trong đó có báo cáo cuả Chính phủ báo cáo bổ sung giải trình, tiếp thu ý kiến dại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề Xã hội về một số nội dung của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Ngoài ra còn có công văn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số tài liệu liên quan đến tuổi nghỉ hưu, làm thêm giờ...
Đáng chú ý, lần gửi xin ý kiến này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, thảo luận và trong quá trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 kết hợp tổ chức lấy ý kiến người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, chuyên gia và cơ quan tổ chức có liên quan gắn với đặc điểm, tình hình của địa phương để lắng nghe thêm ý kiến về những nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Những vấn đề cần tập trung lắng nghe thêm cũng đã được nêu trong dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, mở rộng khung thoả thuận giờ làm thêm tối đa, tuổi nghỉ hưu, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, thời gian làm việc bình thường, giải quyết tranh chấp lao động, đình công...
Một trong những lý do các đoàn đại biểu Quốc hội được đề nghị lắng nghe thêm ý kiến là vì qua nhiều vòng thảo luận Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn khó có thể "chốt" phương án cho một số vấn đề lớn, được cử tri rất quan tâm trong lần sửa đổi này.
Chẳng hạn, tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Chính phủ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành). Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại hai phiên họp thứ 36 và 37 đều không tán thành với đề xuất này. Dù vậy, Chính phủ vẫn mong muốn phương án của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận, quyết định. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hai phương án để xin ý kiến Quốc hội.
Phương án 1, quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như bộ luật hiện hành, nhưng nâng thời gian làm thêm giờ theo tháng, ghi rõ là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ như quy định trong dự thảo để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ.
Phương án 2, nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong một năm theo đề xuất của Chính phủ. Quy định theo phương án này đã không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng, đồng thời, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.
Vấn đề lớn khác là quy định tuổi nghỉ hưu cũng còn có ý kiến khác nhau, vì thế Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến trình Quốc hội hai phương án.
Phương án 1 như Chính phủ đã trình, quy định cụ thể lộ trình và tuổi. Còn phương án mới là quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình.
Theo đó, phương án mới quy định: tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ.
Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Nguồn: Vneconomy