|
Hoạt động kiểm tra hàng hóa tại cảng Cái Lân, Quảng Ninh. Ảnh: T.Trang. |
Bổ sung khái niệm
Theo Cục Hải quan TPHCM, dự thảo cần bổ sung khái niệm “chủ sở hữu của tổ chức” vào các khái niệm trong quy định về người nộp thuế, bởi trong trường hợp DN chấm dứt hoạt động, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì phần thuế nợ còn lại cho chủ sở hữu DN chịu trách nhiệm nộp.
Đồng thời quy định rõ hơn đối với trường hợp DN đổi chủ sở hữu bởi trong Luật chưa ghi nhận trường hợp tổ chức lại DN theo hình thức đổi sở hữu- bán DN để phù hợp với Khoản 2 Điều 187 Luật DN năm 2014.
Hải quan TPHCM cũng đề nghị bổ sung “báo cáo kiểm toán nhà nước, kết luận thanh tra nhà nước” vào điều quy định quyền hạn của người nộp thuế. Theo đó, tại khoản 7 Điều 16 dự thảo Nghị định cần quy định: “được nhận quyết định xử lý thuế, biên bản kiểm tra về thuế, thanh tra thuế, báo cáo kiểm toán nhà nước tại cơ quan quản lý thuế, kết luận thanh tra nhà nước tại cơ quan quản lý thuế, được yêu cầu giải thích nội dung quyết định, kiến nghị xử lý thuế, được bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế, kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước; được nhận văn bản kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý thuế”.
Theo Cục Hải quan TPHCM, việc bổ sung như trên để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện của người nộp thuế sau khi có kết quả kiểm toán nhà nước tại cơ quan quản lý thuế của cơ quan kiểm toán nhà nước, kết quả thanh tra nhà nước tại cơ quan quản lý thuế của cơ quan thanh tra nhà nước.
Xóa nợ thuế
Một số cục hải quan đề xuất, dự thảo cần bổ sung quy định “giấy xác nhận của cơ quan quản lý thuế về việc người nộp thuế có hay không có khoản nợ được xóa theo quy định của Điều 85 Luật Quản lý thuế” để phù hợp với quy định về xóa nợ thuế tại Điều 85.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định: Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động XNK hàng hóa khi tạm nhừng hoạt động, kinh doanh có thời hạn hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn đã thông báo theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan phải thông báo cho cơ quan Hải quan biết, hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi tạm ngừng hoạt động.
Góp ý vào quy định về những trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, Cục Hải quan TPHCM đề nghị bổ sung cụm từ “mất tích” vào quy định xóa nợ thuế với trường hợp: “cá nhân đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ”.
Ấn định thuế
Góp ý về quy định ấn định thuế, Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, tại Điều 50 Luật Quản lý thuế quy định: ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, cụ thể trong lĩnh vực hải quan. Tuy nhiên, hiện có nhiều quan điểm về ấn định và xử lý vi phạm hành chính. Có ý kiến cho rằng, đã ấn định thuế phải xử phạt vi phạm hành chính (chỉ không xử phạt khi thuộc trường hợp pháp luật quy định), ý kiến khác cho rằng, ấn định thuế không đồng nhất phải xử lý vi phạm hành chính, chỉ khi chứng minh được vi phạm với xử phạt.
Theo đó, Cục Hải quan Đồng Nai đề xuất, dự thảo Nghị định cần rõ ràng, minh bạch giữa hải quan và người nộp thuế trong xây dựng quy định về ấn định thuế, xử lý vi phạm hành chính để có cơ sở pháp lý rõ ràng trong giải trình với các đoàn thanh tra, kiểm toán.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan Đồng Nai cũng cho rằng, dự thảo Nghị định cũng cần quy định cụ thể những trường hợp nào phải ấn định, trường hợp nào không ấn định thuế, đơn cử như trường hợp: chủ DN bỏ trốn, mất tích, chết, cơ quan quản lý nhà nước tiếp quản DN thì có phải ấn định thuế hay không để tránh trường hợp cơ quan Hải quan ấn định thuế xong treo nợ trên hệ thống do không có khả năng thu hồi.
Quản lý thuế
Góp ý cho công tác quản lý thuế đối với hàng hóa NK theo giấy phép, Cục Hải quan Quảng Trị cho rằng, những hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành là chính sách quản lý hàng hóa không liên quan đến chính sách thuế, việc quy định kiểm tra trước, hoàn thuế sau đối với các hàng hóa này gây khó khăn cho DN về thực hiện thủ tục hành chính, chi phí và phát sinh thêm nhiều công việc cho cơ quan Hải quan vì tại thời điểm thông quan, cơ quan Hải quan cũng đã kiểm tra các loại chứng từ này.
Theo đó, đơn vị này cho rằng, để đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho cả cơ quan Hải quan và DN nên chuyển sang thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với hàng hóa NK theo giấy phép.
Một kiến nghị khác về công tác quản lý thuế cũng được một số cục hải quan đề xuất liên quan đến xác minh tài khoản của DN đang nợ tiền thuế (áp dụng biện pháp trích tiền từ tài khoản), bởi hiện nay cơ quan Hải quan đang gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh tài khoản do DN mở tài khoản ở nhiều ngân hàng và địa phương khác nhau. Vì vậy, cần giảm bớt số lượng văn bản xác minh thông tin, đảm bảo xác minh đầy đủ số tài khoản của DN, dự thảo Nghị định nên quy định việc cơ quan quản lý thuế có thể yêu cầu cung cấp tài khoản của DN nợ thuế tại một đầu mối.
Một nội dung khác cũng được đề cập đến là quy định liên quan đến các hành vi trốn thuế, theo Cục Hải quan Gia Lai- Kon Tum thì dự thảo Nghị định cần quy định rõ căn cứ để cơ quan Hải quan xác định hành vi trốn thuế đối với hàng hóa XNK, tránh chung chung, khó xác định. Bởi hiện nay, hành vi trốn thuế được xử lý hành chính và hình sự tùy theo mức đố. Vì vậy, việc quy định rõ ràng, chi tiết sẽ tránh được khiếu nại, khiếu kiện.
Cần quy định rõ quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử
Một số hải quan tỉnh, thành phố góp ý, tại Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết. Đây là điểm mới của Luật nhưng đối tượng quản lý không có tại Việt Nam, trong khi đó thực tế còn tình trạng mua bán hóa đơn, làm giả hóa đơn trong quản lý thuế.
Vì vậy, một số đơn vị đề xuất, dự thảo Nghị định cần quy định chi tiết về hoạt động thương mại điện tử, sử dụng và biện pháp quản lý đối với việc sử dụng hóa đơn điện tử để không vướng mắc trong thực hiện và đảm bảo tính khả thi của Luật.
|