Ứng xử với chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ

Những thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ thời gian tới sẽ rất cứng rắn, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam, khiến cho việc duy trì mức kim ngạch hiện tại, hay thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ trở thành bài toán không dễ tìm ra lời giải đáp thoả đáng trong thời gian tới.

Mỹ khiến các quốc gia xuất khẩu toàn cầu đều “thèm muốn”

Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng, Hoa Kỳ là thị trường hấp dẫn nhất trên thế giới, chiếm hơn 17% tổng GDP toàn cầu. Dân số 326 triệu người chỉ bằng 1/3 Ấn Độ và Trung Quốc nhưng các nước đều nhắm đến và coi đây là thị trường chủ lực để xuất khẩu hàng hoá vào. Hơn 300 triệu dân Mỹ đều hướng tới tiêu dùng. Hầu hết người Mỹ đến tuổi trưởng thành đều có 1 hoặc nhiều ngân hàng tự động đến đưa ra một khoản tín dụng thông qua thẻ tín dụng để họ chi tiêu. Chính vậy dẫn tới thói quen tiêu dùng của người Mỹ là mua sắm. Mức chi tiêu cuối tuần ở Mỹ cao ngất ngưởng.

Bên cạnh đó, GDP đầu người Hoa Kỳ ở mức cao, năm 2017 đạt tới 59.501 USD/người. Tổng GDP 2017 đạt 19.390 tỷ USD và mức tăng ổn định trên 2% trong suốt 10 năm qua. Điều này cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang tăng trưởng ổn định và sức hút ngày càng tăng.

Cơ cấu dịch vụ của nền kinh tế Hoa Kỳ cũng tăng trưởng mạnh, như chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, bán lẻ... chiếm tỷ trọng cực lớn tới 80,2%. Điều này cũng lý giải vì sao những tập đoàn Hoa Kỳ hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ này đều là những tập đoàn hàng đầu thế giới.

Ngành sản xuất công nghiệp Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng nhỏ hơn, chỉ 18,9% nhưng cũng tập trung những công ty hàng đầu thế giới như Boing, GM, Apple, Dell... họ có sức mạnh chi phối công nghệ của thế giới.

Còn với lĩnh vực nông nghiệp, cơ cấu nông nghiệp của Hoa Kỳ chiếm 0,9% và chỉ 2 triệu người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng mức độ công nghiệp hoá nông nghiệp của Hoa Kỳ lại ở đỉnh cao. Ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ dẫn chứng, cả trại gà hàng triệu con chỉ có 3 người giám sát; cánh đồng ngô, bông máy chạy chỉ trong nháy mắt đã phân loại hạt và bắp riêng rẽ... Do đó, người Mỹ tin nền nông nghiệp của họ có thể sản xuất để “nuôi cả thế giới”.

Sức mạnh chi phối công nghệ của thế giới

“Chỉ 3 lĩnh vực trên, bao gồm: dịch vụ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đã cho thấy các công ty của Hoa Kỳ có một sức mạnh chi phối công nghệ của thế giới”, ông Nguyễn Thắng Vượng chia sẻ.

Sức mạnh này được chứng minh trong cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung. Ngay sau khi Tổng thống Donal Trump ra lệnh cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc trong 7 năm do nhiều lần tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran. Các công ty của Mỹ dù chỉ chiếm 30% tổng giao dịch của ZTE nhưng họ lại chiếm phần gốc, cốt lõi nhất để sản xuất sản phẩm của ZTE đó là quyền sử dụng phần mềm Adroid... Và nếu như vậy, ZTE chỉ sống và tồn tại được trong Trung Quốc. Chỉ sau 1 đêm khi có lệnh cấm của ông Trump, ZTE đã thông báo phá sản. Sau đó, qua nhiều cuộc thương lượng, đánh đổi bằng nộp phạt 1,5 tỷ USD và chấp nhận để chính phủ Mỹ chỉ định một số người Mỹ tham gia vào ban điều hành của ZTE, khi đó ZTE mới khôi phục được một phần hoạt động. Hiện nay ZTE hoạt động trong tình trạng bị giám sát rất chặt của Chính phủ Mỹ. “Công nghệ gốc người Mỹ nắm rất chắc và họ có khả năng chi phối các nước khác”, ông Nguyễn Thắng Vượng nói.

Chuyển hướng chính sách để “thương mại công bằng - có đi có lại”

Là quốc gia phát triển hiện đại nhưng Hoa Kỳ lại đang chịu tình trạng nhập siêu kéo dài trong nhiều năm và có xu hướng tăng dần. Năm 2016 thâm hụt thương mại của Mỹ đạt mức kỷ lục 502 tỷ USD. Năm 2017 Hoa Kỳ nhập siêu tăng tới 2,35 nghìn tỷ USD chủ yếu từ Trung Quốc, Canada, Mexico, Đức, Nhật gồm các loại hàng hoá cho tiêu dùng, nguyên phụ liệu công nghiệp...

Ông Trump cho rằng, tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ kéo dài nhiều năm, khi Hoa Kỳ xuất khẩu ít hơn nhập khẩu, tức là cơ hội việc làm của người lao động từ trong nước Mỹ bị cướp đem ra nước ngoài sản xuất, nên cơ bản người lao động Hoa Kỳ bị thiệt thòi. Chính vậy, khi Donad Trump lên Tổng thống, với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và bằng những chiến lược cụ thể của mình, ông đã thay đổi chính sách thương mại. Đầu tiên ông cho rằng, việc Hoa Kỳ tham gia các FTA khiến nước này gánh những khoản chi phí quá lớn, trong khi nhiều nước như Trung Quốc lại trục lợi từ các FTA đa phương đó. Do đó, chính phủ Hoa Kỳ quyết định không tham gia những hiệp định như TPP và yêu cầu đàm phán lại các hiệp định đa phương và song phương đã ký kết để xem lại lợi ích của nước Mỹ ở đâu. Và làm thế nào để phần lợi ích của Mỹ lớn hơn, các nước không lợi dụng sự hảo tâm của người Hoa Kỳ.

Sau 1 thời gian ngắn, chính quyền Trump ban hành chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó đưa kinh tế - thương mại trở thành 1 trong 4 trụ cột, đặt trọng tâm vào bảo vệ sở hữu trí tuệ, xử lý những vấn đề thâm hụt thương mại. Đồng thời, yêu cầu phải có “thương mại công bằng - có đi có lại”. Chính sách thương mại của ông Trump là “nước Mỹ tạo cơ hội cho các nước những gì thì họ phải thu lại được như vậy”, dẫn đến Mỹ muốn đàm phán song phương và quyết liệt giải quyết tới cùng các vấn đề thương mại còn tồn tại với các nước.

Đặc biệt, Mỹ sẽ gia tăng rất nhiều các biện pháp nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, kể cả các biện pháp phi truyền thống, như lấy lý do vì an ninh quốc gia nên áp đặt tăng thuế với nhiều mặt hàng. Biện pháp này không mấy khi được sử dụng nhưng hiệu quả lại rất cao. Khi Tổng thống nói sản phẩm nhập vào vi phạm an ninh quốc gia, thì khi đó Quốc hội Mỹ cũng không cần bỏ phiếu để thông qua mà ngay lập tức có hiệu lực và xuất khẩu cũng ngay lập tức bị chặn hoặc bị thiệt hại.

Điển hình, gần đây Hoa Kỳ khởi xướng vụ việc 232 về tăng thuế đối với mặt hàng nhôm và thép của các nước xuất khẩu vào nước này, tất nhiên có miễn trừ nhất định. Điều lo ngại là, họ tăng thuế ngay lập tức vì cho rằng những sản phẩm nhập khẩu từ nhôm và thép vào Hoa Kỳ gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, do đó, các nước rất khó kiện vụ việc này ra WTO vì không ai định lượng được mức độ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia như thế nào. Song Mỹ cũng hé lộ, sẽ miễn trừ cho một số quốc gia nếu đàm phán, thoả hiệp được một số vấn đề hai bên cùng quan tâm. Điều này rất đáng quan ngại, bởi nếu không có miễn trừ thì các quốc gia sẽ cùng nhau ngồi lại phản công Mỹ, nhưng khi có “miễn trừ” thì các quốc gia bị xé lẻ, mỗi nước đàm phán với Mỹ một nội dung. Trong quá trình đàm phán như vậy sẽ có sự nhân nhượng và đánh đổi. Đây chính là chiến lược mới của Mỹ.

Bộ Công Thương đánh giá, Mỹ đề cao đàm phán song phương nhưng trong quá trình đàm phán, Mỹ dùng cả công cụ phi truyền thống mà từ trước tới nay chưa dùng, vượt ra khỏi khuôn khổ đàm phán thương mại thông thường. Những yêu cầu Mỹ đưa ra trong bối cảnh mới rộng hơn nhiều, nó không còn đơn thuần là XNK, rào cản thuế mà giờ đây gắn kết cả những lĩnh vực từ trước tới nay chưa có tiền lệ như thao túng tiền tệ... Và khi họ đặt ra vấn đề như vậy, nghĩa là chúng ta lại phải đầu tư tài nguyên vào đó, làm thế nào để giải quyết hài hoà những yêu cầu đó. “Hoa Kỳ nói nhưng không để đấy, mà họ gây sức ép ở tất cả các diễn đàn từ cấp kỹ thuật tới cấp cao”, ông Nguyễn Thắng Vượng nói.

Đặc biệt, gần đây Hoa Kỳ không coi trọng các diễn đàn đa phương như WTO hay Liên hiệp quốc nhưng họ vẫn gây sức ép trên các diễn đàn này như trong các vụ việc xử lý tranh chấp thương mại.

Vụ việc châm ngòi cho chiến tranh thương mại Trung – Mỹ cũng xuất phát từ điều 301 trong Luật mở rộng thương mại năm 1974, họ điều tra về việc Trung Quốc vi phạm quyền SHTT đối với rất nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ và yêu cầu đánh thuế với mức độ Trung Quốc vi phạm. Nếu Mỹ đánh thuế toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ thì nguy cơ sụp đổ sản xuất trong nước của Trung Quốc là có thật. Vì từ đầu năm tới nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã giảm tương đối, có nhiều dấu hiệu bất ổn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung Quốc.

Một điểm mới nữa trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Hoa Kỳ đó là họ xác định rõ Trung Quốc là nguy cơ về an ninh kinh tế, khi mà Trung Quốc luôn tìm cách lợi dụng từ hoạt động tự do hoá thương mại để trục lợi, vi phạm quyền SHTT và ở góc độ nào đó, thách thức vị trí độc tôn về kinh tế của Hoa Kỳ. Và coi Liên bang Nga là nguy cơ an ninh chính trị khi Nga tìm cách gây xung đột ở vùng nhạy cảm, đe doạ an ninh quốc gia của 1 số nước.

Tác động tới Việt Nam

Từ quan điểm này, dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thắng Vượng nhận định, chính sách thương mại của Hoa Kỳ đối với các đối tác trên thế giới, trong đó có Việt Nam trong thời gian tới là sẽ rất cứng rắn. Mỹ sẽ không nhượng bộ, bởi Việt Nam đang là nước xuất siêu rất lớn vào Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê của Uỷ ban Thương mại Hoa Kỳ, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam năm 2017 đạt 38,3 tỷ USD – là nước xuất siêu lớn thứ 6 vào Hoa Kỳ. Chính điều này, ông Trump đã ra lệnh điều tra nguyên nhân xuất siêu của 16 nước vào Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam. Các cơ quan liên quan của Mỹ đã có danh sách các vấn đề liên quan tới Việt Nam, trong đó có một số danh mục giải quyết ngay để hài hoà thương mại.

Bên cạnh đó, xuất hiện xu thế mới Việt Nam cần quan tâm và có chính sách quản lý chặt, đó là xung đột thương mại Trung – Mỹ sẽ có khả năng khiến hàng hoá Trung Quốc vào thị trường Mỹ giảm đi, và khi đó Trung Quốc sẽ tìm phương án giải quyết bài toán sản xuất ra mà không tiêu thụ được. Họ có thể sẽ tìm hướng xuất khẩu ồ ạt sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Nguy hiểm hơn, rất nhiều mặt hàng Trung Quốc bị Hoa Kỳ cấm sẽ tìm cách đầu tư nhà máy vào Việt Nam, sau đó nhập từ Trung Quốc qua nhằm lợi dụng quan hệ thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ đang tốt, khung pháp lý ổn định. Họ sẽ lợi dụng để xuất đi với tư cách hàng có nguồn gốc từ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế. Đây là nguy cơ rất lớn và có thật, đòi hỏi cần được xử lý.

Cũng theo nhận định của Bộ Công Thương, xung đột thương mại vừa xảy ra hạn chế xuất khẩu với nhiều mặt hàng của Trung Quốc nhưng không thể cho rằng, ngay lập tức Hoa Kỳ cấm nhập khẩu quần áo từ Trung Quốc thì họ sẽ quay sang Việt Nam tìm nguồn mua, bởi có nhiều quốc gia có điều kiện tương đồng như Việt Nam có khả năng làm được điều này. Do đó, theo đại diện Bộ Công Thương, cơ hội với Việt Nam chưa rõ ràng trong cuộc chiến này, trong khi thách thức thấy rõ hơn từ hoạt động truyền tải, khó khăn hơn trong xây dựng chuỗi cung ứng đầu cuối. Lấy ví dụ từ trường hợp Tập đoàn ZTE của Trung Quốc, khi Hoa Kỳ ban hành lệnh cấm tất cả các công ty của Mỹ ngừng sử dụng, mua và bán sản phẩm của ZTE, Việt Nam có bị ảnh hưởng hay không? Việt Nam có một số DN viễn thông, công nghiệp, nếu như 1 chiếc bút Việt Nam sản xuất bán sang Mỹ nhưng trong bút có thành phần nào đó do ZTE sản xuất, thì lệnh cấm đấy có ảnh hưởng tới sản phẩm của Việt Nam. Do đó, chúng ta cần đánh giá tác động trong thời gian dài hơi hơn.

Và những chính sách mới này tác động trực diện với Việt Nam. Trước khi đàm phán về vấn đề gì, Hoa Kỳ đều đưa ra một danh sách các vấn đề cần xử lý, nếu chúng ta không làm hay không đáp ứng phần nào đó yêu cầu của họ thì họ có thể đưa ra lệnh cấm đối với 1 số sản phẩm nào đó của Việt Nam – nguy cơ này là có thật vì đã hiện hữu với Trung Quốc.

Hơn nữa, tác động của cuộc xung đột Mỹ - Trung đến Việt Nam thể hiện ở chỗ, quan điểm của ông Trump coi “nước Mỹ là trên hết” nên phải chuyển đầu tư vào Mỹ, phải sản xuất trong nước Mỹ. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang có kế hoạch đưa vốn quay trở lại Mỹ, bởi vậy thu hút vốn FDI của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Hay biến động tỷ giá cũng là vấn đề, vì khi chính sách thu hút đầu tư, hạn chế nhập siêu của Hoa Kỳ diễn ra sẽ khiến các nước phải hạ giá đồng tiền của mình xuống nhằm thúc đẩy xuất khẩu... dẫn đến biến động tỷ giá lớn, khiến khó khăn cho chính phủ trong điều hành tỷ giá.

Những lựa chọn của Việt Nam trong thời gian tới

Trước những đánh giá tác động trên, đại diện Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án cho Việt Nam. Thứ nhất, nhượng bộ miễn là không phải chịu tác động quá lớn. Đây cũng chính là cách mà Hàn Quốc sử dụng trong đàm phán Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ. Hàn Quốc đã có nhượng bộ nhất định với Hoa Kỳ, đổi lại Hoa Kỳ miễn trừ thép và nhôm cho Hàn Quốc. Đây là lựa chọn VN có thể xem xét.

Phương án thứ hai, Việt Nam cần chủ động nhưng phải dung hoà các lợi ích khác nhau. Đây là cách làm của Nhật. Họ không chủ động đàm phán thương mại song phương với Mỹ, họ vẫn tiếp tục thúc đẩy CPTPP, thúc đẩy vai trò hợp tác kinh tế đa phương. Việt Nam cũng có thể cân nhắc phương án này để tận dụng được sức mạnh của những người bạn trong thoả hiệp với Hoa Kỳ ở nhiều vấn đề khác nhau.

Thứ ba là đối đầu trực diện - cách này khó thực hiện, không phù hợp vì quy mô nền kinh tế và khả năng của Việt Nam. Hiện nay trên thế giới chỉ có Trung Quốc đối đầu trực diện với Hoa Kỳ.

Để đối phó với tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Đào Trần Nhân, nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận định, nếu cuộc chiến leo thang đến khi Mỹ đánh thuế hết toàn bộ hàng hoá của Trung Quốc thì hai bên đều thiệt hại và “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết” - các nước xung quanh sẽ bị ảnh hưởng. Với Việt Nam, trước hết là ảnh hưởng từ sự chuyển dịch đầu tư của các nước vào Việt Nam, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa của các nước. Do đó, Việt Nam cần xây dựng lại chuỗi cung ứng hàng hoá của mình cũng như đón các dòng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có cả của Mỹ và Trung Quốc. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức của Việt Nam.

Thách thức tiếp theo, đó là khi hàng Trung Quốc không bán được sang Mỹ thì sẽ tràn ngập Việt Nam và có thể biến Việt Nam thành bãi rác cho hàng Trung Quốc. Song điều này cũng nói lên cơ hội cho Việt Nam, bởi khi hàng hoá Trung Quốc không xuất được đi Mỹ thì các cơ sở của Trung Quốc bị thu hẹp, thậm chí người ta phải bán cả máy móc. Các doanh nghiệp Việt Nam nhân cơ hội này có thể mua được máy móc tốt, giá rẻ, phù hợp để cải thiện sản xuất của mình.

Để bảo vệ thị trường trong nước, ông Nhân khuyến cáo các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các danh mục hàng hoá hai bên cấm của nhau để biết. Doanh nghiệp Việt Nam cần đón đầu bằng cách liên hệ với các công ty, tập đoàn lớn đang đầu tư vào Trung Quốc hiện nay để thu hút họ về Việt Nam đầu tư. Nhiều công ty của Đài Loan có 5 nhà máy sản xuất ở Trung Quốc nhưng hiện nay họ chuyển hết sang Việt Nam để tránh bị đánh thuế. Quan trọng nhất là không để hàng hoá của Trung Quốc trốn thuế xuất khẩu vào Mỹ bằng cách chuyển giá, chuyển cảng vào Việt Nam, nếu Mỹ phát hiện ra họ sẽ kiện chống lại Việt Nam, khi đó thiệt hại là khó tránh.

Nguồn: Vinatex.com

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/