Nhiều việc phải làm để tăng ‘sức bền’ xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ
Con đường duy nhất để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến lên phía trước khi tham gia thị trường quốc tế giữa nhiều biến động bắt buộc phải tăng “sức bền”. Để làm được điều này đòi hỏi họ tái cấu trúc để thích nghi, tăng cường công nghệ mới và nâng cao năng lực số, đầu tư mạnh hơn vào khâu nội địa hóa, có khả năng sản xuất bền vững, tối ưu hóa về tài chính, xây dựng “văn hóa học tập” nhiều hơn…
Để nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu (XK) cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong ngành dệt may, trong tháng 7/2025, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đang triển khai tiểu dự án tư vấn chuyên sâu áp dụng công nghệ cho các DN này dưới sự bảo trợ của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).
Tạo hướng đi bổ ích
Bên cạnh đó, phía Vitas còn thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến dành cho các DN ngành dệt may nhằm đánh giá nhu cầu hỗ trợ XK cũng như những khó khăn và thách thức mà các DN đang gặp phải trong quá trình tham gia thị trường quốc tế.
|
Con đường duy nhất để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến lên phía trước khi tham gia thị trường quốc tế giữa nhiều biến động bắt buộc phải tăng “sức bền”.
|
Ngoài ra, thông qua vận động của hiệp hội này, các DN dệt may cũng tham gia một chương trình tập huấn miễn phí ở Tp.HCM do Bộ Công Thương phối hợp Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) chủ trì hôm 14/7 nhằm tăng cường năng lực, thực hành về sản xuất, tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, các DN được cập nhật các chính sách, quy định trong lĩnh vực Sản xuất và tiêu dùng bền vững, kinh tế tuần hoàn (SCP&CE) và xu hướng triển khai các chính sách SCP&CE quốc tế, các công cụ hỗ trợ thực hành SCP&CE. Các DN cũng được hướng dẫn xây dựng kế hoạch chuyển đổi kinh tế tuần hoàn, giới thiệu nguồn lực tài chính hỗ trợ DN chuyển đổi tuần hoàn.
Có thể nói các hoạt động như kể trên là hướng đi rất bổ ích để “tăng sức bền” XK cho các DN nhỏ và vừa không riêng gì với ngành dệt may mà còn ở nhiều ngành chủ lực khác.
Qua trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng có rất nhiều việc làm để cải thiện sức cạnh tranh và tăng “sức bền” cho các DN nhỏ và vừa khi XK. Trong đó, việc áp dụng công nghệ mới và tham gia vào các chương trình tập huấn, đào tạo rất cần được khuyến khích.
Theo ông Dũng, các DN nhỏ và vừa cần phải xây dựng khả năng phát triển một cách bền vững, nếu không sẽ khó trụ vững trong cuộc cạnh tranh, nhất là khi họ hướng đến XK. Họ cần được bồi dưỡng, phát triển tư duy chiến lược XK, dự đoán và định hướng chiến lược XK vào những thị trường tiềm năng, quản trị rủi ro trong XK trước bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay.
Ngoài ra, vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho các DN nhỏ và vừa tăng “sức bền” khi XK, nhất là tạo các cơ hội hợp tác về công nghệ.
Chẳng hạn trong thượng tuần tháng 7/2025, tìm hiểu sâu hơn về khả năng hợp tác, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ có chuyến thăm quan và làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Công ty SSP - một trong những công ty nổi tiếng của Ấn Độ về công nghệ chế biến thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, đã gặt hái nhiều thành công trong việc phát triển và thương mại hóa các dây chuyền sản xuất khép kín cho khách hàng toàn cầu.
Thông qua chuyến thăm này, phía Công ty SSP bày tỏ mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các DN Việt Nam, không chỉ trong việc chuyển giao công nghệ mà còn sẵn sàng tư vấn, thiết kế và thi công các dây chuyền chế biến theo đơn đặt hàng cụ thể.
Phía Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng với tình hình “được mùa mất giá” vẫn còn diễn ra phổ biến đối với nhiều nông sản Việt Nam như vải thiều, nhãn lồng, thanh long, cam, xoài, ổi..., việc tăng cường công nghệ chế biến sâu cho các DN trong nước để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao là một hướng đi cấp thiết. Chính vì vậy, đối tác hợp tác công nghệ tiềm năng cho các DN Việt chính là những công ty có kinh nghiệm dày dặn và các giải pháp công nghệ tiên tiến.
Hoặc như để tối ưu tài chính khi XK, đơn cử như với thị trường Mỹ, ông Nguyễn Trần Khánh Hoàng, Giám đốc điều hành của Super Cargo Service Group, có lời khuyên cho phía DN nhỏ và vừa nên nắm bắt gói giải pháp đưa ra các chiến lược giảm thuế hiệu quả, nổi bật là chương trình “First Sale for Export” (FSFE).
Tái cấu trúc để thích nghi
Một nghiên cứu tình huống cụ thể trên mặt hàng may mặc từ Việt Nam đã chỉ ra, việc áp dụng First Sale có thể giúp giảm giá trị tính thuế của một lô hàng từ 100.000 USD xuống còn 85.000 USD, với mức thuế tổng cộng phải trả thay vì 26.500 USD giảm xuống còn 22.525 USD, tương đương khoản tiết kiệm thuế gần 4.000 USD.
“Với quy mô 100 lô hàng mỗi năm, tổng mức tiết kiệm có thể lên đến gần 400.000 USD. Bên cạnh đó, các dịch vụ khác như kiểm toán Incoterm giúp phân tách các chi phí tại nước XK ra khỏi giá trị tính thuế, và dịch vụ hoàn thuế (Duty Drawback) cũng góp phần gia tăng lợi ích tài chính cho DN xuất khẩu”, ông Hoàng chia sẻ.
Riêng với thỏa thuận thuế quan mới trong thương mại Mỹ - Việt, để tăng “sức bền” XK sang thị trường này thì các DN nhỏ và vừa cũng cần nhiều việc phải làm, trong đó, một trong những ưu tiên trước là cần tái cấu trúc DN.
Ts. Chu Thanh Tuấn, chuyên gia kinh tế, lưu ý với khối DN nhỏ và vừa, vốn hoạt động với biên lợi nhuận mỏng và phụ thuộc vào thị trường Mỹ, sẽ đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì đơn hàng và lợi nhuận. Điều này buộc DN phải tái cấu trúc để tồn tại và thích nghi.
Và khuyến nghị được vị chuyên gia này đưa ra là phía DN cần đầu tư mạnh hơn vào khâu nội địa hóa, minh bạch hóa quy trình sản xuất. Họ cũng cần chủ động thương lượng với khách hàng Mỹ về giá cả, thời gian giao hàng và chia sẻ chi phí thuế quan.
Còn theo bà Cao Xuân Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), dưới tác động từ các chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, các DN Việt đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải thích ứng nhanh và tái định vị chiến lược phát triển.
Theo bà Vân, các DN ở Tp.HCM đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, phía DN cũng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, để tăng thêm “sức bền” cho các DN nhỏ và vừa khi XK thì việc nâng cao năng lực số là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực công nghệ thông tin trong khối DN nhỏ và vừa lại là một thách thức lớn, đối mặt với sự thiếu hụt lớn về kỹ năng liên quan đến dữ liệu, bảo mật và tự động hoá.
Đề xuất giải pháp chiến lược nâng cao năng lực số cho phía DN, bà Dương Hồng Loan, Viện trưởng Viện Sáng kiến Việt Nam, nhấn mạnh họ cần xây dựng khung năng lực số, thiết kế lộ trình nâng cấp cho nhóm nhân sự cũng như đào tạo chuyên sâu các kỹ năng công nghệ và xây dựng “văn hoá học tập” trong DN.
Thế Vinh