“Kéo” doanh nghiệp FDI vào giảng đường: Lời giải cho bài toán thiết bị đào tạo nhân lực bán dẫn
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận đầu tư vào các phòng thí nghiệm công nghệ cao, kết nối doanh nghiệp FDI vào quá trình đào tạo, hỗ trợ trang thiết bị, tạo cơ hội thực tập cho sinh viên, đáp ứng đúng nhu cầu của ngành…
Ngành công nghiệp bán dẫn đã trải qua một hành trình phát triển vượt bậc kể từ khi bóng bán dẫn ra đời vào năm 1947. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), thị trường bán dẫn toàn cầu đã đạt 627,6 tỷ USD vào năm 2024, tăng 19,1% so với 526,8 tỷ USD của năm 2023. Các dự báo cho thấy thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, với doanh số ước tính đạt khoảng 697 tỷ USD vào năm 2025, theo SIA.
Đến năm 2030, ngành bán dẫn toàn cầu được kỳ vọng sẽ cán mốc 1.000 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) từ 6-8%, nhờ vào nhu cầu ngày càng tăng từ trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, xe điện và Internet vạn vật (IoT).
Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Quốc tế về Thiết bị và Vật liệu Bán dẫn (SEMI), thị trường bán dẫn nội địa được dự báo đạt 18,23 tỷ USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 11,48%. Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm bán dẫn đầy tiềm năng nhờ vào lực lượng lao động trẻ, vị trí địa lý chiến lược gần các cường quốc bán dẫn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ.
BỐN KHÂU CHÍNH TRONG CHUỖI CUNG ỨNG BÁN DẪN VÀ VỊ THẾ CỦA VIỆT NAM
Việt Nam đã đặt mục tiêu tham vọng, các sản phẩm công nghệ cao, trong đó ngành bán dẫn đóng vai trò then chốt, sẽ chiếm 45% tổng sản lượng chế tạo và gia công vào năm 2030. Chiến lược này được củng cố bởi các khoản đầu tư từ các tập đoàn lớn như Intel, Samsung và Synopsys, cũng như Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ, nhằm phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn và đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030.
Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, ngành bán dẫn bao gồm bốn khâu chính trong chuỗi cung ứng: thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói và kiểm thử. Trong đó, thiết kế vi mạch mang lại giá trị gia tăng cao nhất, chiếm khoảng 50% giá trị toàn chuỗi, và hiện chủ yếu do các quốc gia phát triển nắm giữ. Ngoài ra, do yêu cầu khắt khe về công nghệ, vốn và năng lực chuyên môn, không quốc gia nào có thể kiểm soát hoàn toàn toàn bộ chuỗi cung ứng này.
Thạc sĩ Đặng Trần Chuyên, Giám đốc Trung tâm Điện tử Viễn thông (VIELINA), nhận định rằng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang trải qua những biến động lớn, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt giữa các cường quốc. Đây chính là thời điểm quan trọng để Việt Nam tận dụng lợi thế vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và gia tăng vai trò trong lĩnh vực bán dẫn.
Theo Thạc sĩ Đặng Trần Chuyên, xét về chuỗi giá trị ngành, thiết kế vi mạch hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp theo là đóng gói và kiểm thử – các công đoạn đòi hỏi công nghệ cao và trình độ kỹ thuật phức tạp, nhất là trong bối cảnh chip bán dẫn ngày càng thu nhỏ, chỉ còn vài nanomet.
Về định hướng phát triển, ThS. Chuyên cho rằng Việt Nam cần xác định rõ sẽ tập trung vào thiết kế vi mạch, sản xuất, hay cả hai. Trong đó, thiết kế analog là lĩnh vực truyền thống nhưng có quy trình phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian – từ khâu thiết kế, sản xuất, kiểm thử cho đến hiệu chỉnh. Theo ThS. Chuyên, thiết kế vi mạch số là hướng đi phù hợp hơn trong bối cảnh hiện tại, khi các ứng dụng như AI, xử lý song song, học máy (machine learning) và chuyển đổi số đang phát triển mạnh. Thiết kế vi mạch số có ưu thế về tốc độ ra thị trường, chi phí thấp hơn analog và phù hợp với các sản phẩm công nghệ cao.
Ngành bán dẫn bao gồm bốn khâu chính trong chuỗi cung ứng: thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói và kiểm thử. Ảnh minh họa
Về sản xuất, với chi phí đầu tư cho một nhà máy sản xuất chip (fab) có thể vượt quá 1 tỷ USD, Việt Nam đang hướng đến mô hình "minifab" – nhà máy sản xuất quy mô nhỏ. Dù vậy, thế mạnh lớn nhất hiện nay của Việt Nam vẫn là tiềm năng trong khâu thiết kế vi mạch, đặc biệt là thiết kế số.
QUY LUẬT CUNG – CẦU TRONG ĐÀO TẠO NGÀNH BÁN DẪN HIỆN CÒN NHIỀU BẤT CẬP
Chia sẻ về ngành bán dẫn tại Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh cho rằng ngành bán dẫn hiện đang đối mặt với bốn khó khăn lớn. Thứ nhất, đây là ngành đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và chiến lược phát triển dài hạn. Tuy nhiên, rủi ro cao khiến rất ít tổ chức hoặc doanh nghiệp tại Việt Nam đủ năng lực và sẵn sàng tham gia, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường còn mới mẻ và thiếu các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ.
Thứ hai, đội ngũ giảng viên và chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn còn thiếu nghiêm trọng. Đây là ngành yêu cầu kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm thực tiễn và thời gian đào tạo dài hạn. Trong khi đó, nhiều chuyên gia sau khi được đào tạo lại chọn làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài với mức lương cao, dẫn đến tình trạng "chảy máu chất xám" và gây khó khăn cho các trường đại học, cao đẳng trong việc xây dựng đội ngũ giảng dạy chất lượng.
Thứ ba, quy luật cung – cầu trong đào tạo ngành bán dẫn hiện còn nhiều bất cập. Sinh viên có xu hướng lựa chọn những ngành có học phí thấp nhưng cơ hội việc làm cao, trong khi ngành bán dẫn lại đòi hỏi chi phí đào tạo lớn do yêu cầu thiết bị, công nghệ và giảng viên chuyên sâu. Điều này gây áp lực cả cho người học lẫn các cơ sở đào tạo.
Hệ thống giáo dục hiện tại chưa thích ứng kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và yêu cầu đổi mới trong ngành bán dẫn. Chi phí đầu tư cho thiết bị thực hành rất cao, nhiều trường vẫn chủ yếu tập trung vào giảng dạy lý thuyết.
Thứ tư, hệ thống giáo dục hiện tại chưa thích ứng kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và yêu cầu đổi mới trong ngành bán dẫn. Chi phí đầu tư cho thiết bị thực hành rất cao, nhiều trường vẫn chủ yếu tập trung vào giảng dạy lý thuyết.
Trong khi đó, doanh nghiệp lại cần nhân lực có khả năng làm việc thực tế, đặc biệt là trong môi trường phòng sạch và công nghệ cao – điều mà phần lớn sinh viên hiện nay chưa được tiếp cận đầy đủ trong quá trình học tập.
TIÊU TĂNG CHI TIÊU R&D LÊN 2% GDP VÀO NĂM 2030
Theo các báo cáo từ Statista hay World Bank, chi tiêu R&D của Việt Nam vào năm 2021 là khoảng 0,42% GDP, xếp thứ 56 trên thế giới, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia, và Thái Lan. Theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Việt Nam đặt mục tiêu tăng chi tiêu R&D lên 2% GDP vào năm 2030, với 60% trong số đó đến từ khu vực tư nhân.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi để tiếp nhận các khoản đầu tư vào các phòng thí nghiệm công nghệ cao. Đây là cách giúp giảm thiểu rủi ro về vốn và công nghệ, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tại các cơ sở đào tạo trong nước.
Ngoài ra, Việt Nam cần xác định rõ hướng đi chiến lược, lựa chọn các sản phẩm chip phù hợp với năng lực nội tại và thị trường. Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh cho rằng không nên tập trung vào chip giá rẻ (như chip cho tivi, điều hòa) vốn đang bị Trung Quốc chi phối, cũng không nên mạo hiểm theo đuổi các dòng chip cao cấp như H100 của NVIDIA – vốn vượt quá năng lực sản xuất hiện tại. Thay vào đó, nên chọn các dòng sản phẩm chuyên biệt, giá trị trung bình, phù hợp với nhu cầu khu vực và năng lực trong nước.
Các chuyên gia cũng đề xuất xây dựng hệ sinh thái đào tạo ngành bán dẫn dựa trên mô hình hợp tác ba bên, gồm Nhà trường phụ trách đào tạo lý thuyết và nghiên cứu; Nhà nước cung cấp vốn, chính sách ưu đãi và định hướng phát triển; Doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở vật chất, thiết bị thực hành và sử dụng lao động sau đào tạo.
Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI cần tham gia sâu vào quá trình đào tạo bằng cách hỗ trợ trang thiết bị, đóng góp vào chương trình học, đào tạo giảng viên, và tạo cơ hội thực tập cho sinh viên – từ đó đảm bảo chất lượng nhân lực đầu ra, đáp ứng đúng nhu cầu của ngành.
Trong khi đó, ThS. Chuyên cũng nhấn mạnh rằng để tận dụng cơ hội này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, như xây dựng các vườn ươm công nghệ, hỗ trợ hạ tầng và không gian làm việc cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn. Các sản phẩm thiết kế vi mạch – đặc biệt trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, xử lý video tốc độ cao và an ninh mạng – đều có tiềm năng thị trường lớn, giá trị gia tăng cao.
“Việc tạo điều kiện để các startup công nghệ tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn không chỉ giúp Việt Nam tăng tốc phát triển mà còn nâng cao vị thế trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu,” ông Chuyên khẳng định