Tăng cường "sức đề kháng" cho sản xuất nội địa

Để ứng phó với những biến động thuế quan và hướng tới mục tiêu dài hạn, việc nâng cao năng lực sản xuất nội địa và có chính sách hỗ trợ kịp thời trở nên cấp thiết.

Chênh lệch xuất khẩu giữa doanh nghiệp FDI và nội địa

Theo FiinGroup, Việt Nam nằm trong nhóm ba quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ năm 2024, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico.

Về cơ cấu giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ theo nhóm doanh nghiệp, có thể thấy sự chênh lệch lớn giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa trong suốt những năm gần đây. Doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm gần 22% trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2024.

Doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan đang chiếm ưu thế lớn trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ với tỷ trọng xuất khẩu trên 50%. Bản thân các Doanh nghiệp FDI gốc Mỹ đã xuất khẩu đi Mỹ khoảng hơn 6,6 tỷ USD, tương đương 5,5% trong năm 2024.

Các doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm tỷ trọng chi phối trong ngành duy nhất là thủy sản. Với các ngành khác, các doanh nghiệp FDI đều đóng góp trên 50% giá trị xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là đối với các mặt hàng như máy móc, điện tử đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ và năng lực sản xuất.

Theo FiinGroup, dệt may, gỗ và thủy sản là ba ngành hàng chủ lực, với tổng tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 46% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa sang thị trường này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành này đang đối mặt với rủi ro lớn từ thuế quan của Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xuất khẩu và duy trì hoạt động doanh nghiệp. Với điều kiện sức khỏe tài chính hạn chế và mức độ tác động lớn về mặt kinh tế - xã hội của nhóm doanh nghiệp này, đòi hỏi phải có các chính sách hỗ trợ kịp thời.

Ngành dệt may xuất khẩu sang Mỹ có 1525 doanh nghiệp nội địa, sử dụng 1,4 triệu lao động và có dư nợ tín dụng khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp dao động từ 0,59% đến 34,84% (trung bình 13,37%), nhưng biên lợi nhuận ròng chỉ từ -30,96% đến 4,81% (trung bình -3,06%). Điểm rủi ro trung bình các doanh nghiệp ở mức FG-7 theo thang phân loại FiinGroup (18 mức), tương ứng xác suất rủi ro là 2,64%

Ngành thủy sản xuất khẩu sang Mỹ có 323 doanh nghiệp nội địa, sử dụng 322 nghìn lao động. Biên lợi nhuận gộp dao động từ 3,81% đến 27,49% (trung bình 10,9%), nhưng biên lợi nhuận ròng chỉ từ -9,16% đến 4,34% (trung bình -0,14%). Điểm rủi ro trung bình các doanh nghiệp ở mức FG-6 theo thang phân loại FiinGroup (18 mức), tương ứng xác suất rủi ro là 1,90%

Theo FiinGroup, nguy cơ áp thuế cao từ Mỹ đang tạo ra áp lực lớn lên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng áp đảo trong xuất khẩu sang Mỹ có thể xem xét việc điều chỉnh ngành hàng, thị trường, thậm chí dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Trong khi đó, doanh nghiệp nội địa, đặc biệt trong các ngành như dệt may, thủy sản, có thể phải đối mặt với sức ép lớn, cần được hỗ trợ kịp thời để duy trì sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội.

Nâng cao năng lực sản xuất nội địa trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp nội địa, đặc biệt trong các ngành như dệt may, thủy sản và gỗ, sẽ chịu tác động đáng kể. Đây cũng là nhóm sử dụng nhiều lao động nên cần được hỗ trợ kịp thời.

Để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể chủ động ứng phó trước những biến động thuế quan và phát triển xuất khẩu trong dài hạn, FiinGroup cho rằng Chính phủ nên xem xét đẩy nhanh các chương trình hỗ trợ tín dụng, xúc tiến thương mại và chính sách an sinh cho các ngành dự kiến bị tác động lớn, đặc biệt cần hướng tới khối doanh nghiệp nội địa.

FiinGroup cũng cho rằng, doanh nghiệp FDI cần chung tay với doanh nghiệp Việt Nam trong đàm phán, chia sẻ khó khăn, duy trì sản xuất và bảo vệ chuỗi cung ứng.

Tổ chức tín dụng nên điều chỉnh chính sách tín dụng, giám sát chặt chẽ rủi ro theo ngành, ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để ứng phó kịp thời.

Về dài hạn, theo FiinGroup, Việt Nam cần tập trung phát triển năng lực sản xuất nội địa, hướng tới mục tiêu đưa doanh nghiệp trong nước trở thành chủ lực trong hoạt động xuất khẩu đa ngành. Chính phủ nên ưu tiên nguồn lực, xây dựng chính sách dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành xuất khẩu công nghệ cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh quốc tế.

Việt Nam cần đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, giảm thiểu tác động nếu thuế quan không được điều chỉnh theo hướng tích cực trong trung và dài hạn.

Hải Yến

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: Phòng 8 - Lầu 15 - 285 Cach Mạng Tháng Tám, p.12, Quận 10, TP.HCM 
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/