Căng thẳng thuế quan từ Mỹ: Doanh nghiệp FDI và nội địa cùng “ngồi trên lửa”
Trước nguy cơ Mỹ tăng thuế nhập khẩu, cả doanh nghiệp FDI lẫn nội địa của Việt Nam đều phải đối mặt với những áp lực mới, từ việc tái cấu trúc ngành hàng cho đến rủi ro dịch chuyển dòng vốn đầu tư và suy giảm năng lực tài chính…
Nguy cơ áp thuế cao từ Mỹ đang tạo ra áp lực đáng kể đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm nhóm doanh nghiệp FDI, vốn chiếm ưu thế trong thương mại với Mỹ.
Những thay đổi trong chính sách thuế quan có thể dẫn đến việc điều chỉnh ngành hàng và thị trường xuất khẩu, hoặc thậm chí dịch chuyển dòng vốn đầu tư sản xuất từ các doanh nghiệp FDI.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa, hoạt động trong các ngành như dệt may, thủy sản và gỗ, có thể phải đối mặt với thách thức lớn về khả năng chống chịu tài chính, khiến họ dễ bị tác động hơn khi môi trường thuế quan thay đổi.
Mới đây, FiinGroup đã công bố báo cáo "Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ - Ứng phó thuế quan và Tầm nhìn dài hạn". Đánh giá tổng quan về hoạt động xuất khẩu đi Mỹ, theo FiinGroup, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm ba quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ trong năm 2024, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào cơ cấu xuất khẩu, sự chênh lệch giữa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nội địa trở nên rõ rệt. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, khối doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp gần 22%, phần còn lại chủ yếu do các doanh nghiệp FDI nắm giữ.
Khối FDI tại Việt Nam – với các đại diện tiêu biểu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan đang thể hiện ưu thế áp đảo trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đáng chú ý, chính các doanh nghiệp FDI có gốc Mỹ cũng xuất khẩu về nước họ với giá trị hơn 6,6 tỷ USD, chiếm khoảng 5,5% tổng kim ngạch.
Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp từ các doanh nghiệp FDI Singapore sụt giảm mạnh sau khi áp dụng phương pháp xác định quốc tịch theo chủ sở hữu cuối cùng, từ mức 18,45% xuống chỉ còn 3,2%.
Trong bức tranh này, các doanh nghiệp nội địa chỉ thực sự chiếm ưu thế ở một lĩnh vực duy nhất là thủy sản. Ở các ngành đòi hỏi ít công nghệ như dệt may, da giày, đồ gỗ hay túi xách, doanh nghiệp nội vẫn chia sẻ "sân chơi" cùng các đối thủ FDI, nhưng không chiếm thế thượng phong. Còn ở những lĩnh vực cần vốn lớn, công nghệ cao và năng lực sản xuất hiện đại – như điện tử hay máy móc – thì sự thống trị gần như tuyệt đối thuộc về khối FDI.
Về xuất khẩu từ khối doanh nghiệp FDI, FiinGroup cho biết, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc và Đài Loan chủ yếu tập trung vào xuất khẩu sản phẩm điện tử, lần lượt chiếm 60% và 35% tổng giá trị. Với doanh nghiệp Mỹ, máy móc thiết bị và hàng điện tử chiếm tổng tỷ trọng hơn 85%.
Tỷ trọng mặt hàng chủ lực của ba quốc gia có sự khác biệt lớn, nhưng đều tập trung vào các sản phẩm yêu cầu kỹ thuật sản xuất cao, cho thấy năng lực chuyên sâu của khối FDI tại Việt Nam.
Doanh nghiệp FDI Trung Quốc tại Việt Nam tập trung xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy móc tương tự xu hướng chung của khối FDI. Bên cạnh đó là các mặt hàng như gỗ, dệt may, da giày cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nhóm này nhập khẩu từ Trung Quốc 2,7 tỷ USD, chỉ tương đương 10,8% giá trị xuất khẩu sang Mỹ. Phần lớn các mặt hàng này là để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là hàng điện tử và máy móc.
Về xuất khẩu từ khối doanh nghiệp nội địa, ngành dệt may, gỗ và thủy sản là ba ngành hàng chủ lực, với tổng tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 46% giá trị xuất khẩu Mỹ của doanh nghiệp nội địa.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang đối mặt với rủi ro lớn từ thuế quan của Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xuất khẩu và duy trì hoạt động doanh nghiệp. Với điều kiện sức khỏe tài chính hạn chế và mức độ tác động lớn về mặt kinh tế xã hội của nhóm doanh nghiệp này, đòi hỏi phải có các chính sách hỗ trợ kịp thời.
Ngành dệt may xuất khẩu sang Mỹ có 1.525 doanh nghiệp nội địa, sử dụng 1,4 triệu lao động và có dư nợ tín dụng khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp dao động từ 0,59 % đến 34,84% (trung bình 13,37%), nhưng biên lợi nhuận ròng chỉ từ –30,96% đến 4,81% (trung bình –3,06%). Điểm rủi ro trung bình các doanh nghiệp ở mức FG-7 theo thang phân loại FiinGroup (18 mức), tương ứng xác suất rủi ro là 2,64%.
Ngành thủy sản xuất khẩu sang Mỹ có 323 doanh nghiệp nội địa, sử dụng 322 nghìn lao động và có dư nợ tín dụng khoảng 49 nghìn tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp dao động từ 3,81% đến 27,49% (trung bình 10,9%), nhưng biên lợi nhuận ròng chỉ từ –9,16% đến 4.34% (trung bình –0,14%). Điểm rủi ro trung bình các doanh nghiệp ở mức FG-6 theo thang phân loại FiinGroup (18 mức), tương ứng xác suất rủi ro là 1,90%.
Ngành gỗ xuất khẩu sang Mỹ có 1.736 doanh nghiệp nội địa, sử dụng 416 nghìn lao động và có dư nợ tín dụng khoảng 59 nghìn tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp dao động từ 2,78% đến 26% (trung bình 11,86%), nhưng biên lợi nhuận ròng chỉ từ –14,63% đến 3,37% (trung bình –1,10%). Điểm rủi ro trung bình các doanh nghiệp ở mức FG-8 theo thang phân loại FiinGroup (18 mức), tương ứng xác suất rủi ro là 3,68%.
Trước những biến động từ môi trường thuế quan quốc tế, FiinGroup đã đề xuất các giải pháp như chủ động thích ứng, nâng cao năng lực sản xuất nội địa trong kỷ nguyên mới.
Trong đó, doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan và bao gồm cả Mỹ, chiếm tỷ trọng áp đảo trong tỷ trọng xuất khẩu trong suốt các năm qua, cần chung tay đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong đàm phán, chia sẻ khó khăn và duy trì sản xuất để bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế.
Doanh nghiệp nội địa, đặc biệt trong các ngành như dệt may, thủy sản và gỗ sẽ chịu tác động đáng kể; đây cũng là nhóm sử dụng nhiều lao động nên cần được Chính phủ hỗ trợ kịp thời thông qua các gói tín dụng ưu đãi, chương trình thương mại quốc tế và chính sách an sinh cho người lao động.
Đối với tổ chức tín dụng, cần điều chỉnh chính sách tín dụng, tăng cường giám sát rủi ro danh mục, và ứng dụng các công cụ phân tích chuyên sâu, kịp thời để kiểm soát rủi ro đối với các ngành bị ảnh hưởng lớn.
“Về dài hạn, Việt Nam cần tập trung phát triển năng lực sản xuất nội địa, hướng tới mục tiêu đưa doanh nghiệp trong nước trở thành chủ lực trong hoạt động xuất khẩu đa ngành. Chính phủ nên ưu tiên nguồn lực, xây dựng chính sách dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành xuất khẩu công nghệ cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh quốc tế”, FiinGroup kiến nghị.
Cuối cùng, Việt Nam cần đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, giảm thiểu tác động nếu thuế quan không được điều chỉnh theo hướng tích cực trong trung và dài hạn.