Ngành dệt may thích ứng với xu thế phát triển bền vững

Dệt may là ngành công nghiệp truyền thống của tỉnh Phú Thọ, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng áp lực cạnh tranh và yêu cầu ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để thích ứng.

Ngành dệt may tỉnh Phú Thọ đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn, trong đó có các doanh nghiệp FDI, góp phần tạo ra giá trị sản xuất cao và thúc đẩy đổi mới công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền, tạo sức lan tỏa đến các doanh nghiệp trong ngành. Những năm gần đây, ngành dệt may Phú Thọ duy trì sản lượng tương đối ổn định với trung bình mỗi năm đạt trên 200 triệu sản phẩm quần áo may sẵn, hơn 50 triệu m2 vải thành phẩm và khoảng 15.000 tấn sợi toàn bộ.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và đón đầu xu thế phát triển của các thị trường mục tiêu, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đang trở thành hướng đi tất yếu đối với các doanh nghiệp dệt may. Nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh đã từng bước đầu tư máy móc, thiết bị tự động, số hóa một số công đoạn sản xuất, tăng cường sử dụng phần mềm trong giao dịch, thiết kế sản phẩm. Đây là những bước đi quan trọng nhằm rút ngắn thời gian sản xuất, giảm chi phí, nâng cao tính linh hoạt trong đáp ứng đơn hàng.

Công ty TNHH Dệt Phú Thọ (Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì) chuyên sản xuất sợi cotton với sản lượng khoảng 8.000 tấn mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Công ty cho biết: “Sợi cotton của chúng tôi phục vụ cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Trước yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao của các đối tác may mặc, doanh nghiệp buộc phải nâng cấp thiết bị, kiểm soát chặt quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng ổn định, đáp ứng đa dạng yêu cầu của khách hàng”.

Năm 2025, với sự phục hồi tích cực từ các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp dệt may Phú Thọ đã ký được đơn hàng dài hạn và linh hoạt trong điều hành sản xuất. Đặc biệt, việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới đang giúp doanh nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

 

Công ty TNHH Dệt may Thygesen Việt Nam - Chi nhánh Phú Thọ (Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập) có công suất sản xuất 5 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm cho trên 400 lao động. Công ty chủ yếu gia công các mặt hàng may sẵn như quần áo, mũ, tất, khăn... cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Theo bà Đoàn Thị Thu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty, toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm được lên kế hoạch bài bản ngay sau khi tiếp nhận đơn hàng, từ chuẩn bị nguyên phụ liệu đến gia công thành phẩm. Hệ thống thiết bị của Công ty được đầu tư tương đối đồng bộ, bao gồm máy may, máy vắt sổ, máy thùa khuyết, máy cắt các loại, máy cắt laser, máy đính cúc, máy dò kim, máy ép nhiệt tự động, máy in, máy ép mex, máy hút ẩm, hút chỉ, máy trải vải... Ngoài ra, đơn vị còn đầu tư bổ sung các máy móc, thiết bị phụ trợ nhằm tăng năng suất, hiệu quả công việc và phù hợp với nhu cầu sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng thời trang, thói quen tiêu dùng và yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, tính bền vững, trách nhiệm xã hội của sản phẩm. Người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến mẫu mã, giá cả mà còn chú trọng đến quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu và mức độ thân thiện với môi trường. Cùng với đó, biến động của chính sách thuế từ các thị trường lớn như Mỹ có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp. Áp lực về chi phí sản xuất, tiến độ giao hàng và chất lượng cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục đổi mới.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ và tự động hóa, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động. Thay vì tập trung vào các mặt hàng phổ thông vốn khó cạnh tranh, doanh nghiệp cần dần chuyển hướng sang sản xuất các dòng sản phẩm có kỹ thuật cao, giá trị gia tăng lớn. Đồng thời, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng lực thiết kế, chủ động nguyên phụ liệu và phát triển chuỗi liên kết trong ngành; chú trọng đến việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính.

 
Nguyễn Huế

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: Phòng 8 - Lầu 15 - 285 Cach Mạng Tháng Tám, p.12, Quận 10, TP.HCM 
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/