Tìm giải pháp xuất khẩu hàng hóa

Việt Nam vừa được Chính phủ Mỹ công bố tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày và áp thuế 10% trong thời gian này để thực hiện các đàm phán tiếp theo. Đây là thông tin vui đối với các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ, cũng là cơ hội để doanh nghiệp xoay sở, có giải pháp thích ứng trong tình hình mới

Có thời gian chuẩn bị 

Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thị trường Mỹ chiếm hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước. Tại tỉnh Tuyên Quang, theo thống kê của Sở Công Thương có 8 doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trong đó có 50% sản lượng gỗ; 80% hàng dệt may của các doanh nghiệp vào thị trường này. Việc được hoãn áp thuế  90 ngày sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sự chuẩn bị ứng phó hiệu quả, không bị động trước sức ép  cạnh tranh, sản lượng. Đồng thời cũng có thêm thời gian tìm hiểu thị trường mới, thực hiện đa dạng thị  trường.

Ông Hoa Qing Yi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Huilong Wood Pvoducts Việt Nam (Cụm công nghiệp Thắng Quân - Yên Sơn) cho rằng: Đơn vị có trên 98% sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Mỹ. Trước đây, sản phẩm đồ gỗ của đơn  vị xuất khẩu sang Mỹ được hưởng mức thuế 0%, tạo nên lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ ở nước khác.

Khi Mỹ công bố áp thuế lên tới 46%, doanh nghiệp lo lắng giá sản phẩm sẽ tăng đáng kể, bất lợi trong cạnh tranh khó duy trì sản xuất.  Tuy nhiên, đến sáng ngày 10 - 4, Mỹ đã tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày và áp thuế 10% trong thời gian này. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thị trường, thích ứng tốt hơn trong thời gian tới. 

 

Lãnh đạo Sở Công Thương nắm tình hình sản xuất Công ty TNHH Huiling Products Việt Nam (Cụm công nghiệp Thắng Quân - Yên Sơn).

Thông tin từ Mỹ đã ngay lập tức tác động tích cực đến các doanh nghiệp, ông CHEN CHIEA, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Acacia Woodcraft phấn khởi: “Rất mừng, Chính phủ Việt Nam đã liên hệ đàm phán với Mỹ tạm hoãn 90 ngày và áp dụng mức thuế 10% trong thời gian này.

Trước mắt, doanh nghiệp sẽ tập trung sản xuất nhưng đơn hàng đã ký kết và đẩy mạnh xúc tiến việc tìm thêm thị trường mới để khi có áp thuế chính thức đơn vị sẽ không bị tụt giảm sản xuất sâu. Chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ đàm phán để thuế xuất nhập khẩu đồ gỗ trở lại mức bình thường như trước đây”.

Các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may cũng “thở phào nhẹ nhõm” khi Mỹ tạm hoãn thuế đối ứng. Ông Park Sang Joon, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH MTV Seshin VN2 (Khu công nghiệp Long Bình An) cho biết: Sản phẩm của doanh nghiệp xuất sang thị trường Mỹ đang chịu mức thuế 10%, như vậy tạm thời sẽ chưa có gì biến động trong 3 tháng tới. Tuy nhiên để chủ động trong sản xuất kinh doanh, phát triển lâu dài, chúng tôi tiếp tục làm việc với các đối tác để có những hợp đồng ký kết dài hạn, thỏa thuận để đối tác hỗ trợ nếu thuế áp cao hơn hiện nay.

Tìm giải pháp bền vững

Đứng trước bối cảnh thế giới nhiều biến động, thị trường xuất khẩu nhiều thách thức, nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh như hàng dệt may, gỗ, bao bì… xuất siêu sang Mỹ đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải có những giải pháp căn cơ, linh hoạt để thích ứng lâu dài và phát triển trong tình hình mới.

Hoạt động gần 10 năm với 3 nhà máy sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất, ván công nghiệp xuất khẩu, Công  ty cổ phần woodsland Tuyên Quang có sản phẩm xuất khẩu ổn định sang thị trường Mỹ, Châu Âu. Năm 2024 doanh thu của doanh nghiệp đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023, nộp ngân sách trên 60 tỷ đồng.

Ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang chia sẻ: Những năm qua Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang cũng đã đầu tư máy móc hiện đại, tập trung sản xuất mặt hàng chất lượng, giá trị cao, đa dạng sản phẩm từ tủ bếp, đồ nội thất, ván sàn, ván công nghiệp… cộng với đa dạng thị trường tiêu thụ. Sản phẩm của công ty có mặt tại thị trường Mỹ và trên 10 nước châu Âu, châu Á.

 

Sản xuất hàng thời trang xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Công ty TNHH MTV Seshin VN2 (Khu công nghiệp Long Bình An).

Sản lượng xuất khẩu vào Mỹ chiếm 25% nhưng lại là các mặt hàng chất lượng cao, giá trị lớn. Trước thông tin Mỹ áp thuế 46% doanh nghiệp khá lo lắng. Tuy nhiên, Mỹ đã tạm hoãn 90 ngày áp thuế đối ứng, doanh nghiệp đã yên tâm sản xuất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch quý II-2025. Đồng thời, doanh nghiệp xây dựng lại kế hoạch sản xuất, xuất khẩu; làm việc với đối tác để thỏa thuận các tình huống ứng phó với những thách thức biến động thị trường… Ông Khánh mong muốn: “Ngoài những chính sách của Chính phủ thì doanh nghiệp mong tỉnh cũng có những giải pháp linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất trong thời gian tới”.

Kịp thời nắm tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu vào Mỹ, ngày 8 - 4, lãnh đạo Sở Công Thương đã trực  tiếp làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Seshin VN2, Công ty MSA YB (Khu công nghiệp Long Bình An); Công ty TNHH Hitarp Việt Nam (Cụm công nghiệp Phúc Ứng, Sơn Dương); Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Công ty TNHH Huiling Products, Công ty TNHH Acacia Woodcraft (Cụm công nghiệp Thắng Quân, Yên Sơn).

Đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thông tin Mỹ chưa áp thuế đối ứng đã trả lại sự bình yên cho sản xuất. Tuy nhiên đây cũng là thời cơ để các doanh nghiệp sốc lại  quy trình sản xuất; tìm thêm thị  trường mới. Sở Công Thương đã chủ động làm việc với doanh nghiệp lớn sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ lực để nắm tình hình tác động cụ thể của mức áp thuế 46% của Mỹ đối với từng doanh nghiệp. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của từng doanh nghiệp đối với ngành, tỉnh, Chính phủ, cùng đồng hành với doanh nghiệp tìm hướng duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.

Tại buổi làm việc với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội, doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế chiều  7- 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đối với chính sách thuế đối ứng của Mỹ, phải bình tĩnh. Tinh thần không đối đầu, không gây căng thẳng, không làm phức tạp vấn đề; lựa chọn thông minh, tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo, chọn phương án nào hiệu quả nhất để làm.

Việt Nam đang đi theo hướng đàm phán danh sách các mặt hàng áp dụng thuế bình đẳng, hài hòa, có lợi cho hai bên. Ngoài thị trường Mỹ thì cần tận dụng các FTA đã ký kết với tinh thần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy các thị trường truyền thống, thâm nhập thị trường tiềm năng. Gắn với đó là thúc đẩy tăng trưởng, các ngành kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh…

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm việc nghiên cứu chính sách thuế, phí, lệ phí; giảm lãi suất, hy sinh một phần lợi nhuận, dành một gói ưu đãi ngành gỗ, thủy sản theo hướng nâng gói ưu đãi hiện có. Nghiên cứu gói hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nghiên cứu thuế liên quan giảm trừ gia cảnh…; xử lý các vấn đề liên quan xuất xứ hàng hóa ảnh hưởng các cam kết quốc tế; tăng cường bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ…

Tạm thời với mức thuế 10% vào thị trường Mỹ trong 3 tháng tới, các doanh nghiệp yên tâm thực hiện kế hoạch sản xuất xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là  thời điểm các doanh nghiệp chủ động, nỗ lực tìm các giải pháp về thị trường, vốn, nguồn nguyên liệu, áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại vào sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng đa dạng khách hàng, thị trường, ứng phó tốt nhất với mọi biến động của thị trường.

Bài, ảnh: Trang Tâm

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: Phòng 8 - Lầu 15 - 285 Cach Mạng Tháng Tám, p.12, Quận 10, TP.HCM 
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/