Nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của Canada tăng và cơ hội cho Việt Nam

Tình hình xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Canada tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2025

Theo thống kê từ Cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Canada trong tháng 2/2024 đạt 68,92 triệu USD, giảm 14,6% so với tháng 01/2025, nhưng tăng 20,6% so với tháng 2/2024. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Canada đạt 149,55 triệu USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2024

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu quần dài các loại, áo thun, áo Jacket sang thị trường Canada trong tháng 01/2025, chiếm 50,84% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may.

 

Đáng chú ý, so với cùng kỳ tháng 01/2024, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Canada trong tháng 01/2025 giảm mức hai con số ở hầu hết các chủng loại, trừ xuất khẩu áo thun tăng 7,1%, áo sơ mi tăng 33,6%, áo len tăng 15,6%, áo nỉ tăng 288%.

 

Chủng loại hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Canada tháng 01/2025

Nhp khẩu hàng may mặc của Canada và thị phần của Việt Nam

Theo dữ liệu từ Trang Web chính thức của Chính phủ Canada (https://ised-isde.canada.ca/), nhập khẩu hàng may mặc của Canada đạt khoảng 10 tỷ USD mỗi năm.

 

Năm 2024, nhập khẩu hàng may mặc của Canada đạt 10,83 tỷ USD, tăng gần 2% so với năm 2023.

Trong tháng 01/2025, nhập khẩu hàng may mặc của Canada đạt 900,3 triệu USD, tăng 14,8% so với tháng 01/2024.

Có thể thấy, nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi, giúp nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là hàng may mặc tăng trưởng trở lại. Điều này khuyến khích các nhà bán lẻ và doanh nghiệp Canada nhập khẩu nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu trong nước. Ngoài ra, việc thông quan tại các cửa khẩu quốc tế diễn ra thuận lợi, giúp quá trình nhập khẩu diễn ra nhanh chóng. Cơ quan quản lý thương mại của Canada cũng có các điều chỉnh nhằm đảm bảo dòng chảy hàng hóa không bị gián đoạn.

Canada nhập khẩu hàng may mặc chủ yếu từ 3 thị trường Trung Quốc, Việt Nam và Bangladesh, chiếm 60,64% tổng trị giá nhập khẩu trong tháng 01/2025. Thị phần hàng may mặc của các thị trường trên tại Canada đều tăng so với tháng 01/2024, trong đó, thị phần hàng may mặc của Bangladesh tăng mạnh nhất, lên mức 14,75%, từ mức 12,47%.

 

Nhìn chung, nhập khẩu hàng may mặc của Canada từ các thị trường chủ lực trong tháng 01/2025 đều tăng ở mức hai con số so với tháng 01/2024.

 

Việt Nam là nguồn cung hàng may mặc thứ hai vào Canada, chiếm 16,3% thị phần trong tháng 01/2025, tăng so với mức 15,56% của tháng 01/2024.

 

Hiện hàng dệt may Việt Nam có tính cạnh tranh khá cao tại thị trường Canada nhờ Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, việc Việc Mỹ áp thuế mới lên hàng dệt may Trung Quốc làm tăng giá thành sản phẩm từ nước này, do đó, các nhà nhập khẩu Canada có xu hướng tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các nước khác, bao gồm Việt Nam.

Canada không có nền công nghiệp may mặc phát triển, do đó nước này nhập khẩu hàng may mặc với khối lượng lớn. Năm 2025, xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra với sự gia tăng nhập khẩu từ nhiều nước. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục mở rộng thị phần hàng may mặc tại Canada.

 

Nhìn từ góc độ lợi thế cạnh tranh từ Hiệp định CPTPP, Việt Nam đang được hưởng lợi lớn, tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định CPTPP đối với hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Canada vẫn còn thấp.

 

Mặc dù Canada đã loại bỏ ngay 42 dòng thuế đối với sản phẩm dệt may Việt Nam khi CPTPP có hiệu lực và sau 5 năm thực thi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng 100% so với năm 2018, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng tối đa các lợi thế này. Nguyên nhân chủ yếu là do yêu cầu xuất xứ khắt khe của CPTPP. Các doanh nghiệp cần đảm bảo nguyên liệu dệt may (từ sợi, vải, nhuộm) phải có nguồn gốc từ các nước trong khối CPTPP, trong khi Việt Nam vẫn nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu từ ngoài khối này. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã có giải pháp tìm nguồn cung trong khu vực CPTPP, nhưng quá trình này vẫn đang diễn ra và chưa đạt mức tối ưu.

 

 

Với xu hướng chuyển dịch nguồn cung của Canada và sự quan tâm ngày càng lớn từ các doanh nghiệp nước này đối với hàng dệt may Việt Nam, cơ hội để gia tăng tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan từ CPTPP vẫn rất lớn trong thời gian tới.

Do đó, để duy trì và tăng tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp cần tiếp tục cải thiện chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực sản xuất và tuân thủ các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ

Theo phòng xuất nhập khẩu - Bộ công thương

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/