Căng thăng thương mại: Ngành nào “bớt ngại”, ngành nào “lo âu”?
Năm 2025, dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh tư liệu

Tách 2 nhóm: “hướng ngoại” và “hướng nội”

Thị trường tài chính toàn cầu đang chịu những hệ lụy do tác động tâm lý từ các chính sách của Chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ở trong nước, sự lo ngại cũng bao trùm lên tâm lý nhà đầu tư như chịu tác động từ nhiều yếu tố trong và ngoài nước.

Cơ hội xuất khẩu có thể mở ra ở một số ngành

Năm 2025, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Mỹ như dệt may, đồ gỗ mỹ nghệ, máy móc thiết bị điện tử và nông sản...

Theo đó, các yếu tố bên ngoài đang tác động mạnh hơn. Thay đổi chính sách của chính quyền tân Tổng thống Trump khiến lo ngại về vấn đề thuế quan, lạm phát ở Mỹ có nguy cơ quay trở lại, từ đó làm cho khả năng cắt giảm lãi suất của FED phải dừng lại hoặc số lần cắt giảm sẽ ít hơn so với kỳ vọng.

Trong khi đó, đối với trong nước, tác động từ thương chiến (thuế quan) kết hợp với lạm phát ở Mỹ vẫn dai dẳng khiến chỉ số Dollar vẫn ở mức cao, tỷ giá trong nước nối dài mạch tăng. Điều này không chỉ tác động tới dòng tiền ngoại trên thị trường chứng khoán, mà còn tạo lo âu cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều USD.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia cho rằng, các tác động cả trong và ngoài nước như trên khiến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường tài chính trở nên thận trọng hơn. Một mình chứng là dòng tiền trên thị trường chứng khoán duy trì ở mức trung bình thấp.

“Bức tranh về sự vận động của dòng tiền trên thị trường đang được chia làm 2 nhóm khá rõ nét: một nhóm là các ngành chịu tác động từ bên ngoài (thuế quan, tỷ giá), một nhóm là các ngành chỉ hoạt động nội địa, ít chịu ảnh hưởng từ bên ngoài và có câu chuyện” – chuyên gia này nói.

Thận trọng chung, song vẫn có ngành “có cửa sáng”

Thống kê trên thị trường chứng khoán cho thấy, các nhóm cổ phiếu chỉ hoạt động nội địa, ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài đang có mức tăng trưởng khá tích cực và đã “tách top” như: Đầu tư công, ngân hàng, khoáng sản…

Cụ thể hơn, đối với nhóm cổ phiếu đầu tư công, năm 2025 cũng là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, sau một năm 2024 dường như bị thị trường “bỏ quên”, nhóm cổ phiếu đầu tư công đã bứt phá ngay từ đầu năm 2025.

Hay nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là một số các nhóm cổ phiếu ít chịu tác động từ bên ngoài và áp lực bán ròng từ khối ngoại. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, để thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, cơ quan này đã định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Kết quả kinh doanh quý IV/2024 và cả năm 2024 cho thấy, đây vẫn là nhóm “ăn nên làm ra” khi có tới 70% ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận 2 con số. Đây là nguyên do giúp một số cổ phiếu ngân hàng liên tiếp tìm các đỉnh cao mới.

Trong số các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng khi thương chiến đang diễn ra, nổi bật là nhóm cổ phiếu kháng sản. Các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm như: vonfram, florit, đồng và bismut… giá cổ phiếu tăng mạnh. Xu hướng tăng giá của vonfram, florit, đồng và bismut từ đầu năm 2025 phản ánh sự thay đổi trong chuỗi cung ứng khoáng sản toàn cầu cũng như sự chuyển dịch trong nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp chiến lược. Trong bối cảnh nguồn cung ngày càng thắt chặt và nhu cầu tiếp tục tăng, các mặt hàng này nhiều khả năng sẽ giữ vững đà tăng giá trong thời gian tới./.

Theo:Thoibaotaichinhvietnam.vn