Vẫn chờ lời giải ‘bài toán’ tự chủ nguyên phụ liệu để tránh rủi ro biến động

Việc phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu ở một số lĩnh vực sản xuất quan trọng như dệt may, nhựa, thức ăn chăn nuôi… đang đặt ra thách thức lớn trong năm 2025 trước những rủi ro biến động khó lường. Trong khi đó, việc tự chủ nguồn cung ứng đầu vào vẫn là “bài toán” chờ tìm lời giải.

Mới đây, một nhà máy sản xuất vải (công suất mỗi năm có thể đạt 60 triệu mét vải) với vốn đầu tư hơn 4.380 tỷ đồng của CTCP tập đoàn Thái Tuấn đã chính thức đi vào hoạt động tại tỉnh Long An sau 3 năm thi công. Đây là điều đáng khích lệ khi ngành dệt may nội địa có thêm được một nhà máy để cung cấp vải may mặc - nguyên liệu sản xuất cốt lõi của ngành hàng này.

Từ rào cản lớn của ngành dệt may

Có thể nói, trong bối cảnh nguồn cung vải trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thì việc đầu tư những nhà máy sản xuất vải của các doanh nghiệp (DN) có tiềm lực mạnh rất cần được nhân rộng. Với các mảng nguyên phụ liệu khác cho ngành dệt may, cũng rất cần được mở rộng đầu tư sản xuất. Nhất là khi mà việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu trong nước vẫn là một thách thức lớn, dẫn đến phụ thuộc lớn vào nhập khẩu.

-2495-1739445251.png

Các công ty sản xuất đồ nhựa trong nước vẫn đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Điều này có thể thấy rõ với tổng giá trị nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đã đạt 25,2 tỷ USD (số liệu tính riêng trong 11 tháng của năm 2024, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023). Tỷ trọng nhập khẩu các nguyên phụ liệu đều tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Trung Quốc. 

Từ việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu như vậy, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán ABS cho rằng đây sẽ là rào cản lớn cho các cơ hội hiện có của ngành dệt may Việt. 

Như lưu ý của ABS, các quốc gia thuộc hiệp định thương mại tự do (FTA) đều là những thị trường khó tính, áp dụng quy tắc yarn-forward (yêu cầu tỷ trọng nội địa từ nguyên liệu sợi trở đi) trong khi đó các nguyên phụ liệu may của Việt Nam hầu hết đều đến từ nguồn nhập khẩu. Đặc biệt trong thời gian tới khi Mỹ - thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam – sẽ áp thuế lên các mặt hàng có nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc.

Không những vậy, khi phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt. Bởi lẽ, các DN dệt may Việt Nam hiện phải cạnh tranh với những đối thủ lớn. Đơn cử như Trung Quốc (dẫn đầu về sản xuất sợi và vải, có lợi thế lớn về nguồn lực lao động với chi phí thấp, trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu) hay như Ấn Độ (tự cung các loại vải, sợi tự nhiên, bông…). Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là ngành dệt may Việt cần phải nỗ lực hơn trong việc đẩy mạnh đầu tư nhằm tự chủ nguồn cung cũng như hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất.

Đứng ở góc độ một DN nội địa hàng đầu trong ngành dệt may, như chia sẻ của ông Nguyễn Đức Trị, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tập đoàn đang từng bước xây dựng một chuỗi cung ứng khép kín từ sợi – dệt – nhuộm – may mặc, trong đó trung tâm PD&B (chuyên nghiên cứu và phát triển các mẫu sản phẩm từ nguồn vải được sản xuất trong nước) được xem là yếu tố then chốt trong việc hiện thực hóa chiến lược này. 

Theo ông Trị, nhờ vào nguồn nguyên liệu chủ động, trung tâm PD&B có thể tạo ra các mẫu thiết kế phù hợp với nhu cầu thị trường quốc tế, đồng thời đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ các FTA. Điều này giúp các DN ngành May của tập đoàn giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tận dụng được tối đa ưu đãi thuế quan trong các FTA, từ đó, thúc đẩy các DN sợi, dệt nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu nguyên liệu đầu vào.

Không riêng gì dệt may, việc tự chủ nguyên liệu nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng là điều mà các DN Việt cần để tâm nhiều hơn nữa trong bối cảnh bức tranh thương mại toàn cầu năm 2025 đang chứa đựng nhiều yếu tố bất định, trong đó có tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Đến “mặt trái” ngành nhựa và thức ăn chăn nuôi

Trong khi đó, không khác gì ngành dệt may, một số lĩnh vực sản xuất quan trọng vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đơn cử như ở ngành nhựa vẫn đang đối mặt với một trong những “mặt trái” lớn nhất trong năm 2025 là vấn đề nguồn nguyên liệu.

Riêng hồi năm rồi, với nguồn nguyên liệu là hạt nhựa PVC, dữ liệu cho thấy Việt Nam đã nhập gần 1,1 triệu tấn, tăng 26,8% so với năm 2023. Trong đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) với tỷ trọng 27%, từ Trung Quốc với 21% và Indonesia là 14%.

Ông Đinh Đức Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho rằng việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu là một vấn đề khi mà thiếu hụt nguyên liệu trong nước khiến cho DN dễ bị tác động bởi biến động thị trường quốc tế.

Do đó, theo ông Thắng, cần phát triển chuỗi cung ứng nội địa, hướng tới tự chủ nguyên liệu nhựa nguyên sinh và xây dựng hệ thống tái chế kết hợp phân loại rác thải tại nguồn. 

Còn theo Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Việt Nam vẫn chưa làm chủ được phần lớn nguyên liệu đầu vào, dẫn đến chi phí cao và rủi ro chuỗi cung ứng. Hơn nữa, ngành nhựa trong nước hiện chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của hơn 100 triệu dân, phần còn lại phải nhập khẩu. Các DN phải tìm thấy cơ hội để đầu tư vào nguồn cung trong nước để hóa giải phần nào vấn đề nhập khẩu này.

Hoặc như “mặt trái” ở ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Số liệu ước tính hồi năm 2024 Việt Nam nhập khẩu gần 22,4 triệu tấn nguyên liệu, giá trị tương đương 7,7 tỷ USD. Trong đó, phải kể một số nguyên liệu nhập khẩu chính: Ngô hạt 10 triệu tấn (tương đương 2,4 tỷ USD), khô dầu các loại 5,5 triệu tấn (tương đương 2,3 tỷ USD), lúa mì và lúa mạch 2,36 triệu tấn (tương đương 569 triệu USD). Ngay như tấm và gạo (vốn là thế mạnh của Việt Nam) cũng phải nhập khẩu 304 nghìn tấn (tương đương 138,7 triệu USD).

Hiện nay hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc lớn và nguyên liệu nhập khẩu (trên 65% nguyên liệu thô, trên 90% thức ăn bổ sung). Giới chuyên gia lưu ý việc thiếu tự chủ nguyên liệu trong nước và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu càng làm gia tăng rủi ro cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trước các biến động toàn cầu khó lường như hiện tại. 

Nhất là khi có biến động tỷ giá USD, ảnh hưởng của xung đột địa chính trị ở một số khu vực, chi phí logistic vẫn ở mức cao (tăng 15-20% so với trước đợt dịch Covid-19 và chưa có dấu hiệu giảm) cùng với nguy cơ thương chiến hiện hữu trong năm 2025 này có thể sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, từ đó tác động tiêu cực ngành chăn nuôi trong nước. 

Do đó, việc tự chủ một phần thức ăn chăn nuôi để tránh các rủi ro, biến động bên ngoài là rất quan trọng. Nhất là nên có các dự án đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu chăn nuôi tại chỗ, hoặc ở những địa phương đang phát triển mạnh ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi cần lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, dù vấn đề này đã được nói nhiều nhưng vẫn còn là “bài toán” chờ tìm lời giải. 

Nguồn:Vnbusiness.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/