Doanh nghiệp xoay xở, đối phó giá điện tăng

Giá điện tăng, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách thay đổi giờ sản xuất, lắp điện mặt trời mái nhà nhằm tiết giảm lượng điện tiêu thụ.

Doanh nghiệp chịu tác động kép

Từ ngày 11/10, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm 4,8%, lên mức 2.103,1159 đồng/kWh. Trên cơ sở đó, giá bán lẻ điện cũng tăng lên tùy thuộc vào từng loại hình sử dụng điện.

Doanh nghiệp xoay xở, đối phó giá điện tăng- Ảnh 1.
 

Công nhân May 10 làm việc tăng ca để kịp đơn hàng.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, tăng giá điện sẽ làm chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,04%. Đây là mức thấp nhất đã được Chính phủ và các bộ, ngành cân đối.

Lãnh đạo EVN lập luận, nếu tính đủ chi phí thì mức tăng giá điện phải cao hơn, nhưng để cân đối hài hòa các yếu tố an sinh xã hội, giảm tác động đến đời sống nhân dân và nền kinh tế, nên quyết định mức tăng 4,8%.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho hay, mức tác động nhiều hay ít sẽ theo mức tiêu thụ điện nhiều hay ít của các ngành. Ngành chịu tác động nhiều nhất là xi măng, dệt may, thép… khi giá điện chiếm tỷ lệ lần lượt là 15%, 13%, 10% trong tổng chi phí (giá vốn).

"Tức là, chi phí cho ngành xi măng, dệt may, thép sẽ tăng tương ứng 0,72%; 0,624%, 0,48%. Mức này tương đối lớn nếu các ngành này không tìm cách tiết giảm chi phí", ông Thỏa nói.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, tổng lợi nhuận sẽ giảm. Còn nếu tăng giá bán, chi phí đầu vào sẽ không còn căng thẳng.

"Tuy nhiên, hiện kinh tế chưa phục hồi, sức mua còn yếu, việc tăng giá sản phẩm là chiến lược không khôn ngoan. Đây là quyết định "cân não" mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong những tháng cuối năm khi các loại chi phí khác cũng có xu hướng tăng lên", ông Lạng nói và lưu ý, thời điểm này không loại trừ khả năng các chi phí khác cũng gián tiếp tăng theo giá điện, trong đó có giá cả các sản phẩm thực phẩm đầu vào.

Tiết giảm chi phí, lợi nhuận

Trước việc giá điện tăng, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng lên kế hoạch ứng phó.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc cho biết, do đặc thù nuôi trồng nấm đông trùng cần sử dụng điện 24/24h nên mỗi tháng phải chi trả khoảng 400-500 triệu đồng tiền điện cho mỗi nhà xưởng. Chi phí tiền điện chiếm khoảng 20-30% giá vốn, vì vậy ngay trong tuần này kế hoạch tiết giảm tối đa chi phí được công ty kích hoạt.

Theo đó, ngoài tuyên truyền cho nhân viên sử dụng điện tiết kiệm và hợp lý, tắt các thiết bị điện không cần thiết thì công ty còn tính đến việc dịch chuyển giờ chế biến sản phẩm sang giờ thấp điểm thay vì giờ bình thường như trước đây.

Đưa ra giải pháp này, theo bà Hồng là do công ty xác định không tăng giá bán sản phẩm, bởi một năm qua kinh doanh ảm đạm, chỉ trông chờ vào vụ Tết này để bán hàng làm quà biếu.

"Nếu tăng giá thời điểm này, khách cân nhắc mua, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng chiến lược bán hàng", bà Hồng nói và cho biết, công ty đang nghiêng về phương án giảm lợi nhuận để giữ khách hàng.

Bố trí lại giờ sản xuất, lắp điện mặt trời

Trong khi đó, đại diện Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho hay, việc tăng giá điện đã nằm trong dự tính của doanh nghiệp ngành này. Theo đó, tăng giá điện buộc đơn vị phải tính toán lại phương án sản xuất, đẩy mạnh tiết giảm chi phí, sử dụng điện hiệu quả hơn.

Với chi phí tiền điện hàng tỷ đồng mỗi tháng, Tổng công ty May 10 đang phải chịu áp lực rất lớn do quyết định tăng giá điện lần này rơi đúng vào mùa vụ sản xuất, phải tăng ca nhiều vào thời gian cao điểm giá điện cao, khoảng 5.000 đồng/kWh.

Đại diện May 10 cho biết, doanh nghiệp đang nỗ lực áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh để giảm lợi nhuận tối đa khi các đơn hàng xuất khẩu không thể tăng giá vì đã ký từ trước.

Đánh giá tổng thể, đại diện Hiệp hội Dệt may cho rằng, tăng giá điện thời điểm này rất căng thẳng với ngành dệt may khi đang vào mùa vụ. Điều này buộc các doanh nghiệp của ngành phải tính toán cẩn trọng. Bên cạnh việc thắt chặt các khoản chi phí thì phải có cách làm mới để cân bằng được giá thành, đảm bảo cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực.

Phương án được ưu tiên là bố trí lại giờ sản xuất cho hợp lý, giảm thời gian sản xuất ở giờ cao điểm và tăng hiệu quả, hiệu suất sản xuất ở giờ thấp điểm có giá điện thấp.

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may cũng cho biết, lắp điện mặt trời mái nhà tự dùng là giải pháp mà một số doanh nghiệp dệt may lớn đang thực hiện, các doanh nghiệp khác có thể học hỏi kinh nghiệm để thực hiện ngay.

Nguồn: Baogiaothong.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/