Thị trường lao động: Nhiều chuyển biến tích cực

Sau một thời gian dài trầm lắng, thị trường lao động đã có nhiều đột phá khi nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực tại các địa phương trong cả nước đều tăng mạnh mẽ.

Sau một thời gian dài trầm lắng, thị trường lao động đã có nhiều đột phá khi nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực tại các địa phương trong cả nước đều tăng mạnh mẽ.

anh-bai-tren(1).jpgCông nhân Công ty May Hualida Thái Bình. Ảnh: Thảo Vân.

Theo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), dự báo trong quý II sẽ có 51,5% người lao động có việc làm, tăng 200.000 so với quý I. Đáng chú ý, quý II có 3 nhóm ngành được dự báo nhu cầu việc làm tăng so với quý trước gồm: sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 2,6%; dệt may tăng 2,0%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 1,6%. Với những kết quả đạt được trong quý II dự báo quý III thị trường lao động sẽ sôi động và hồi phục sau một thời gian dài trầm lắng vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia về lao động, tín hiệu khởi sắc của thị trường lao động còn được nhận diện thông qua số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng giảm trong những tháng đầu năm. Cụ thể, trong quý I, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi chế độ trợ cấp và hỗ trợ học nghề ngắn hạn cho tổng số hơn 154.000 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giảm gần 2.000 người so với cùng kỳ năm trước. Phấn khởi hơn, số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp giảm dần tại các thị trường tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất, có đông người lao động sinh sống, làm việc.

Theo khảo sát của Falmi (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM), thị trường lao động thời gian qua sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2023 khi nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề tăng

Tại Hà Nội, những tín hiệu cũng cho thấy thị trường lao động khởi sắc. Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thị trường lao động Hà Nội tiếp tục duy trì đà phục hồi khi số người có việc làm tăng và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm so với đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của đa số ngành sẽ tăng trưởng.

“Xu hướng tuyển dụng đa dạng, phân bố trên nhiều ngành nghề, trong đó những ngành nghề liên quan đến thương mại - dịch vụ sẽ có xu hướng tuyển dụng lớn hơn (tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước), tiếp đến là các ngành liên quan đến sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, dệt may, da giày, xây dựng... (tăng khoảng 10 - 15%). Ngành kinh doanh bất động sản cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn trở lại sau khi bị đóng băng trong nửa đầu năm 2023" - ông Thành cho biết.

Mặc dù thị trường lao động đã dần ổn định và phục hồi tuy nhiên theo các chuyên gia để đảm bảo tính bền vững cho thị trường lao động Nhà nước cần cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Bởi thực tế hiện nay bên cạnh yếu tố chất lượng thì thị trường lao động vẫn tiềm ẩn những thách thức trong đó thực trạng “nhảy việc” diễn ra thường xuyên khiến cung - cầu lao động bị lệch pha.

Bàn về vấn đề này, bà Phạm Thu Lan - Viện trưởng Viện công nhân, Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, trong quan hệ kinh tế, nhảy việc để tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và phát huy tối ưu năng lực của bản thân là việc bình thường, nhưng nhảy việc chỉ thuần túy để tìm kiếm mức lương cao hơn cho một công việc tương tự lại là sự lãng phí không đáng có.

“Một doanh nghiệp có 1.000 công nhân nhưng 1 tháng 100 công nhân liên tục ra vào. Doanh nghiệp này sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực cho quảng cáo tuyển dụng, tổ chức phỏng vấn, làm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ và đào tạo nhân viên… trong khi những chi phí này hoàn toàn có thể tiết kiệm để đầu tư cho tăng năng suất” - bà Lan chia sẻ.

Để giảm thiểu sự nhảy việc do tiền lương thấp, theo bà Lan, cần đảm bảo lao động có thể tiếp cận đủ chi phí cơ bản cần thiết cho lao động và gia đình như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại, giáo dục, quan hệ xã hội, mà còn cần một khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai. Tiếp đó là, tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội; thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập; chính sách phúc lợi nhà ở, trường học, bệnh viện; thu hút nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm để cải tiến khoa học công nghệ, nâng cao đời sống cho người lao động từ đó nâng cao năng suất lao động quốc gia; luật hóa trách nhiệm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn…

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, để phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế, Bộ LĐTBXH tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường; tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030… Đồng thời chú trọng phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng kết nối cung cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (cần nhiều lao động) với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc bộ, Đồng bằng sông Cửu Long (nơi có nguồn nhân lực dồi dào); đầu tư phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công lập; nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp… Hoạt động kết nối việc làm với các địa phương cũng được đẩy mạnh hơn, thông qua phiên giao dịch việc làm kết nối giữa các tỉnh, thành phố, các trung tâm dịch vụ việc làm cũng có sự liên thông, chia sẻ dữ liệu

Nguồn: Daidoanket.vn

 

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/