Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều thay đổi, sản phẩm "Made in Vietnam" không thể chỉ cạnh tranh bằng giá rẻ mà cần xây dựng thương hiệu mạnh, ghi dấu trong người tiêu dùng toàn cầu.
Doanh nghiệp và đại diện sàn thương mại điện tử Amazon trao đổi cách thức đưa hàng Việt ra thế giới thông qua thương mại điện tử. Ảnh: Hà Thư
Mắt xích mới nổi của thương mại điện tử
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử đang trải qua giai đoạn phát mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt tốp những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và thế giới.
Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) Nguyễn Văn Thành đánh giá, thương mại điện tử xuyên biên giới là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng gấp đôi so với thương mại điện tử nội địa. Đặc biệt, sau đại dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới không chỉ là “sân chơi” cho các doanh nghiệp lớn mà đã có sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, góp phần vào tăng trưởng chung của kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong nhìn nhận, các doanh nghiệp Việt Nam đã tạo kỳ tích xuất khẩu xuyên biên giới với số lượng doanh nghiệp đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng gấp 10 lần chỉ sau 5 năm. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với lượng sản phẩm bán ra trên Amazon tăng 300% trong 5 năm qua. Chỉ số tăng trưởng mạnh mẽ thể hiện sự linh hoạt, tinh thần chủ động vươn ra toàn cầu và sẵn sàng đa dạng hóa danh mục sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng quốc tế. Việt Nam cũng được đánh giá đang là trung tâm sản xuất, một mắt xích cung ứng mới nổi của thương mại điện tử toàn cầu với những thế mạnh về năng lực sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm chia sẻ, dệt may là một trong năm ngành có tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới ấn tượng, đưa kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng cao, riêng trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Thông qua xuất khẩu trực tuyến, sản phẩm dệt may đã đến với các khách hàng trực tiếp và ngày càng khẳng định vị thế.
Tập trung xây dựng thương hiệu
Tuy các doanh nghiệp đã tận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới để gia tăng xuất khẩu song vẫn còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ. Cụ thể, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nguồn nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới còn chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới còn nhiều hạn chế...
Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong cho rằng, giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh hàng đầu, cốt yếu khi đưa hàng Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới. Trên thực tế, các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường sẽ sử dụng yếu tố giá để thu hút khách hàng, còn các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm và lựa chọn thương mại điện tử xuyên biên giới là hướng đi lâu dài sẽ tập trung xây dựng thương hiệu. Rất nhiều người tiêu dùng quốc tế sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để sở hữu sản phẩm, thương hiệu mà họ yêu thích hoặc sản phẩm có phản hồi, đánh giá tốt từ nhiều người mua.
Mặt khác, theo các nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng toàn cầu đã có nhiều thay đổi. Ngày càng nhiều người sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các nhãn hàng, thương hiệu “xanh”, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính… Còn các nhà nhập khẩu quốc tế thì ưu tiên giảm “dấu chân carbon" trên sản phẩm và “quay lưng” với gỗ khai thác trên đất phá rừng… “Quan trọng là doanh nghiệp cần xây dựng giá trị thương hiệu cho sản phẩm để người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm mà mua cả thương hiệu sản phẩm. Đây chính là yêu tố hàng đầu để doanh nghiệp đạt tăng trưởng cao khi xuất khẩu qua thương mại trực tuyến”, ông Gijae Seong nhấn mạnh.
Theo thống kê, 5 năm qua, số doanh nghiệp Việt tham gia chương trình đăng ký thương hiệu qua sàn thương mại điện tử Amazon tăng tới 35 lần. Số liệu này cho thấy, doanh nghiệp Việt đã quan tâm hơn tới việc xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững trên thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thương mại điện tử quốc tế đã mở cánh cửa cho doanh nghiệp Việt Nam kết nối trực tiếp với thị trường và người tiêu dùng thế giới. Để trụ vững trên thị trường trực tuyến toàn cầu, các doanh nghiệp cần loại bỏ tâm lý kinh doanh trực tuyến theo kiểu “lướt sóng”, mà phải có hướng đi lâu dài, bài bản, trong đó chú trọng đặc biệt tới việc xây dựng thương hiệu. Đã đến lúc Việt Nam không chỉ là trung tâm sản xuất, xuất khẩu hàng giá rẻ mà còn gắn với thương hiệu được những người tiêu dùng toàn cầu yêu mến.
Nguồn: Hanoimoi.vn