'Cuộc chiến' mới của nhà xuất khẩu Việt khi ra biển lớn
Không chỉ là cuộc chiến về giá trên thương trường, các doanh nghiệp xuất khẩu giờ đây còn đối diện với cuộc đua mới mang tên "đơn hàng xanh".
Nếu không xanh, khách hàng không ký hợp đồng
Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT mô tả kinh doanh đang ngày càng khó, vì trước khi ký hợp đồng, khách hàng luôn đặt câu hỏi doanh nghiệp có xanh hay không.
“Nếu không xanh, khách hàng không ký. Trong khi đây là những hợp đồng hàng trăm triệu USD, mà FPT hoàn toàn có thể đảm nhận được. Chuyển đổi xanh không còn là ý niệm mơ hồ mà lúc này các doanh nghiệp phải tích cực thực thi” – ông Bình chia sẻ.
Đứng đầu một doanh nghiệp dệt may xuất khẩu lớn, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cảm nhận sức ép rất lớn trên thương trường quốc tế.
“Kinh tế toàn cầu chưa phục hồi, chưa kể cạnh tranh rất gay gắt với các nước như Bangladesh, Campuchia, Indonesia có chi phí nhân công thấp hơn.
Doanh nghiệp vừa phải đảm bảo đơn hàng giá không tăng, vừa phải đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn xanh. Đây là bài toán khó của công ty nói riêng và ngành dệt may Việt nói chung” – ông Tùng cho biết.
Nhiều công ty khác cũng thừa nhận, ngành dệt may Việt Nam thiếu tính cạnh tranh với ngành dệt may Bangladesh do khách hàng đến từ châu Âu rất đề cao vấn đề môi trường, trong khi đó các nhà máy ở Bangladesh làm rất tốt tiêu chí này nên được khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Đối với Việt Nam, tuy vài năm gần đây các nhà máy đã nhận thức tốt hơn trong công tác “xanh hóa” nhà máy nhưng do nhịp độ còn chậm dẫn đến mất nhiều cơ hội với các đơn hàng Châu Âu.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2023, Bangladesh có tới 153 nhà máy đạt chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), và cũng có 500 nhà máy hiện đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này. Xu thế sử dụng sản phẩm xanh, vật liệu nano, vật liệu có tính năng đặc biệt ngày càng phổ biến, đòi hỏi công nghệ sản xuất phải đáp ứng xu thế này thì mới có đơn hàng.
Các doanh nghiệp dệt may đang đối diện với thách thức chứng minh đơn hàng xanh với các đối tác nhập khẩu. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Vừa là thách thức, vừa là cơ hội
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công nói nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, từ nhiều năm trước Thành Công đã xây dựng và tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) những dòng sản phẩm thân thiện với môi trường từ những vật liệu tái chế.
Công ty sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng thông qua việc nâng cao chất lượng quản lý, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời cho các nhà máy.
Trong tương lai, doanh nghiệp dệt may phải giải bài toán khó về chi phí có đơn hàng xanh. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng và đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu tốt cho Việt Nam. Tuy nhiên có một áp lực lớn chính là chuyển đổi xanh vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho ngành gỗ.
“Từ 10-15 năm nay, ngành gỗ Việt đã thực hiện nhiều việc để đảm bảo nguyên liệu gỗ hợp pháp, nên đảm bảo thích ứng với các yêu cầu mới của Liên minh châu Âu (EU).
Chẳng hạn, với quy định không gây mất rừng và suy thoái rừng, nhiều nước đã có vẻ không thể theo được, nhưng Việt Nam đang xem là cơ hội, vì khi làm tốt sẽ mở rộng thị trường bền vững ổn định. Cả doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng đang có nhiều nỗ lực và quyết tâm đạt được mục tiêu này” – ông Hoài nói.
Sức nặng ngàn cân trên vai
Các thách thức về xanh và sạch trong hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt không đơn giản để vượt qua. Ông Trần Như Tùng cho biết, chuyển đổi xanh là bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp vì chi phí tăng thêm, trong khi đơn hàng phải giữ giá như trước có thể khiến nhiều đơn vị càng làm sẽ càng lỗ hoặc hoà vốn. Chỉ có những doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh và chấp nhận giảm biên lợi nhuận để đầu tư mới có thể theo đuổi điều này.
Theo ông Trương Văn Cầm, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, áp lực lâu dài lên ngành dệt may vẫn là đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường bền vững. Chẳng hạn, EU đưa ra chiến lược thời trang bền vững, với ba khâu thiết kế, sản xuất và tiêu dùng cũng phải xanh hoá.
Ngành gỗ đang chạy đua để có đơn hàng xanh. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Thậm chí những phần nguyên liệu thừa phải thải bỏ, hay hàng tồn kho cũng phải áp dụng tiêu chuẩn xanh như có thể tái chế được, chứ không như trước có thể thực hiện theo cách nào cũng được.
“Nhiều nhãn hàng yêu cầu từ đây đến năm 2030, doanh nghiệp dệt may xuất khẩu phải sử dụng 30% lượng điện tái tạo, và đến năm 2050 là sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo. Doanh nghiệp đạt được mục tiêu này, họ mới nhập khẩu hàng.
Không phải doanh nghiệp Việt nào cũng có thể hoàn thành mục tiêu này. Nếu không làm được, chắc chắn doanh nghiệp phải đi mua tín chỉ carbon khiến chi phí phải đội lên”– ông Cầm cho biết.
Theo ông Cầm, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cần hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp trong áp dụng chuyển đổi xanh, chẳng hạn, xây dựng quỹ tín dụng xanh để cho vay với lãi suất ưu đãi. Vì chuyển đổi xanh luôn là bài toán đầu tư có chi phí đắt đỏ.
Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Agrex Saigon cho biết, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia cam kết chỉ làm việc với những nhà cung cấp tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường.
Thông thường, các tập đoàn này mong muốn các nhà cung cấp cấp một của họ tuân thủ các tiêu chuẩn đó. Và tập đoàn đa quốc gia cũng yêu cầu các nhà cung cấp cấp 1 phải buộc các nhà cung cấp cấp 2, 3, 4… của họ tuân thủ tương tự, cứ như thế tạo ra một loạt các hoạt động bền vững diễn ra trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi sự đầu tư về mặt máy móc cũng như nguồn lực tài chính. Chẳng hạn, tại Agrex Saigon, nếu như trước đây, khi nhập nguyên liệu đông lạnh về, cần phải rã đông trước khi đưa vào chế biến. Để thực hiện phải mất nhiều thời gian, tiêu tốn nguồn nước, điện, thời gian, nhân lực…
Sau đó, công ty mua được máy rã đông từ nước ngoài để thực hiện công đoạn này đã giúp giảm tối đa các vấn đề trên, đặc biệt giúp giảm thải nguồn nước ra môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Nhưng máy này lại rất đắt đỏ khiến các doanh nghiệp khó có thể đủ nguồn tài chính mua sắm.
Do đó, để giúp doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện được các điều kiện tiêu chuẩn xanh, Nhà nước có thể hỗ trợ tín dụng xanh với mức lãi suất hợp lý cũng như cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào việc đóng góp cho mục tiêu Net Zero của Việt Nam.