Thu hút FDI - giải bài toán phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu
Ngành dệt may Việt Nam hiện nằm trong top 3 xuất khẩu (XK) thế giới, top 4 các ngành công nghiệp XK của Việt Nam. Tuy nhiên, để làm ra một sản phẩm may mặc, doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải nhập khẩu (NK) đến 90% nguyên phụ liệu, chủ yếu là NK từ Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều thị trường XK lớn yêu cầu sản phẩm dệt may từ Việt Nam phải đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Vì vậy, việc xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may để đáp ứng nhu cầu XK là hết sức quan trọng...
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh (Agtek) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024 đơn hàng đã quay trở lại với các DN dệt may ở TP Hồ Chí Minh, nhiều DN có đơn hàng đến tháng 5, tháng 6. Phần lớn, các đơn hàng này nhỏ lẻ có số lượng hàng ngàn, hàng trăm sản phẩm thay vì hàng chục ngàn sản phẩm như trước đây. Điều đó cũng cho thấy xu hướng phục hồi trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp Trung Quốc giới thiệu máy móc, nguyên phụ liệu dệt may để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khó khăn nhất của ngành dệt may hiện nay đó là quá phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu NK. Các DN trong nước chỉ chủ động được khoảng 10%, còn lại 90% NK nên tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu thị trường NK nguyên phụ liệu của Việt Nam bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Mặt khác, Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), phần lớn các FTA yêu cầu sản phẩm may mặc phải đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Như hiệp định CPTPP, yêu cầu hàng dệt may XK vào các nước thành viên phải đảm bảo 3 công đoạn từ sợi trở đi (sản phẩm may mặc của Việt Nam XK thì từ sợi trở đi phải được sản xuất tại Việt Nam), hiệp định EVFTA thì yêu cầu DN XK phải đáp ứng 2 công đoạn từ vải trở đi (vải trở đi phải sản xuất tại Việt Nam). Trong khi đó, phần lớn sợi và vải dùng để sản xuất sản phẩm may mặc XK thì DN phải nhập từ các nước. Riêng vải, DN Việt Nam NK đến 70% từ Trung Quốc. Đó cũng là lý do khiến DN chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Mặc dù yếu về sản xuất nguyên phụ liệu, nhưng các DN trong nước vẫn khó đầu tư vào lĩnh vực này do có đến 80% là DN nhỏ và vừa, với năng lực tài chính còn hạn chế. Với thế mạnh sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may, trong thời gian qua các DN Trung Quốc đã đến Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư vào khoảng trống này.
Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Trung Quốc có xu hướng đầu tư ra bên ngoài và Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất. Từ đầu 2023 đến nay, VCCI đã đón tiếp rất nhiều đoàn DN, nhà đầu tư từ Trung Quốc sang khảo sát tại Việt Nam. Ngoài đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng…, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mở rộng sang các lĩnh vực khác, trong đó có ngành nguyên phụ liệu dệt may”.
Gần đây nhất, cuối tháng 3/2024, nhiều DN lớn ở Trung Quốc chuyên sản xuất nguyên phụ liệu dệt may cũng đã đến TP Hồ Chí Minh để tìm kiếm đối tác nhập khẩu tại triển lãm China Homelite Vietnam. Ngày 10/4, Liên đoàn Dệt may Đài Loan đã hợp tác với 26 công ty trong ngành công nghiệp phụ trợ dệt may của Đài Loan (Trung Quốc) đến TP Hồ Chí Minh để giới thiệu các sản phẩm mới của họ với DN dệt may Việt Nam, bởi Việt Nam là thị trường XK lớn nhất của Đài Loan về các sản phẩm nguyên phụ liệu dệt may, nhiều nhất là sợi, vải.
Ông Huỳnh Minh Vũ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số quốc gia khác đã sang tìm hiểu cơ hội đầu tư trong ngành dệt may. Các nhà máy sản xuất cung cấp nguyên liệu lớn sẽ giúp ngành dệt may phần nào giảm thiếu hụt nguồn cung và việc đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định CPTPP, EVFTA... cũng sẽ khả quan hơn. “Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, thực thi các FTA giúp Việt Nam thu hút FDI vào các nguồn cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố giúp giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên phụ liệu NK bên ngoài của DN dệt may”, ông Vũ nói.
Nguồn: Cand.com.vn