Nhà đầu tư Trung Quốc tận dụng 'khoảng trống' công nghiệp phụ trợ Việt Nam
Nhìn từ động thái cấp tập vào Việt Nam của các nhà sản xuất nguyên phụ liệu dệt may Trung Quốc, cho đến những con số “biết nói” về việc rót vốn đầu tư của Trung Quốc, rồi các doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu cảm nhận sức ép của đối thủ, để từ đó nhận thấy ai sẽ “hớt tay trên” công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam. Nhất là khi lĩnh vực này vẫn còn là mặt hạn chế của nhiều doanh nghiệp nội địa.
Một nhóm lớn doanh nghiệp (DN) ở thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) chuyên sản xuất nguyên phụ liệu dệt may vừa đến Tp.HCM để tìm kiếm đối tác nhập khẩu. Khi được hỏi là liệu các DN này sẽ tìm cách đầu tư ở Việt Nam để “phủ sóng” hàng hóa một cách tốt hơn, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM (Agtek), đã trả lời rằng nếu tìm hiểu, thấy được triển vọng thì họ sẽ làm.
Đẩy mạnh đầu tư vào ngành dệt may
Và khi được hỏi tiếp là liệu có sự e ngại về chuyện thâm nhập của đông đảo DN nguyên phụ liệu dệt may Trung Quốc, ông Hồng đã nói một cách hóm hỉnh là không việc gì phải lo vì các DN dệt may nội địa sẽ có thêm đối tác.
|
Các nhà cung cấp nguyên phụ liệu dệt may đến từ Hàng Châu (Trung Quốc) đang tìm cách thâm nhập vào thị trường Tp.HCM vốn còn nhiều “khoảng trống”.
|
Thực ra, ngay tại Tp.HCM, như chia sẻ của vị chủ tịch Agtek, số DN Trung Quốc đầu tư làm nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu dệt may vẫn còn ít. Những DN này khi đầu tư thì thường thông qua một số DN Việt Nam, được xem như là một chi nhánh của họ.
Trong khi đó, nguồn cung nguyên phụ liệu tại chỗ cung ứng cho các DN dệt may ở Tp.HCM chỉ chiếm có 10%. Cho nên, với thế mạnh sản xuất nguyên phụ liệu, là công nghiệp phụ trợ của ngành dệt may, các DN Trung Quốc hoàn toàn có cơ hội tận dụng, đẩy mạnh đầu tư và “hớt tay trên” của các DN nội địa trong lĩnh vực còn nhiều “khoảng trống” này và phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Việc “hớt tay trên” là khó tránh khỏi khi mà các DN nội địa trong mảng sản xuất nguyên phụ liệu dệt may còn nhiều mặt hạn chế về nguồn lực tài chính, công nghệ, đáp ứng các yêu cầu rất cao về vấn đề môi trường khi đầu tư.
Bên cạnh các DN đến từ Hàng Châu, theo dự kiến vào ngày 10/4 sắp tới Liên đoàn Dệt may Đài Loan đã hợp tác với 26 công ty trong ngành công nghệ phụ trợ dệt may của Đài Loan (Trung Quốc) sẽ đến Tp.HCM để “trình làng” các sản phẩm mới của họ đến với DN dệt may Việt. Đơn cử như các sản phẩm và công nghệ mới nhất được phát triển bởi Be Be Cotton Knitting, Tập đoàn Far Eastern New Century, Nan Ya Chemical, Tung Ho Textile, Everlight Chemical và E.C.I. Elastic.
Nên biết Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đài Loan cho các sản phẩm nguyên phụ liệu dệt may chất lượng cao, trong đó nhiều nhất là nguyên liệu sợi, vải. Một trong những điểm mạnh chính của ngành công nghiệp phụ trợ dệt may của Đài Loan là cam kết với nghiên cứu và phát triển (R&D). Các công ty của họ đầu tư mạnh mẽ vào việc khám phá những công nghệ và vật liệu mới, đảm bảo rằng sản phẩm của họ luôn ở đi đầu trong đổi mới sáng tạo.
Giới quan sát nhận định một khi xuất khẩu dệt may của Việt Nam được phục hồi dần và hâm nóng trở lại thì các nhà sản xuất nguyên phụ liệu dệt may của Đài Loan sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ở Việt Nam và liên kết với DN Việt phát triển chuỗi cung ứng. Điều này nhằm tận dụng lợi thế của ngành dệt may Việt trước các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA)…
Đơn cử như Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam thuộc Tập đoàn Far Eastern (nằm trong top 5 tập đoàn lớn nhất tại Đài Loan) gần đây đã cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư tại Bình Dương. Cách đây 3 năm, công ty này đã mở rộng quy mô nhà máy tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) chuyên sản xuất xơ sợi tổng hợp, dệt nhuộm thành phẩm và may mặc, với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 610 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1,37 tỷ USD.
Bắt đầu cảm nhận sức ép của đối thủ
Không chỉ nhắm đến đầu tư vào mảng sản xuất nguyên phụ liệu cho dệt may, ngày càng nhiều các nhà đầu tư Trung Quốc đang tìm cách rót vốn vào Việt Nam để xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu, linh kiện, phụ tùng, thiết bị nhằm cung ứng cho nhiều lĩnh vực khác.
Như thông tin vào tháng 3/2024, “gã khổng lồ” Trung Quốc là Victory Giant Technology đã xúc tiến kế hoạch đầu tư một nhà máy chuyên sản xuất bảng mạch PCB vào Việt Nam, với vốn đầu tư khoảng 800 triệu USD.
Hoặc như hồi cuối năm 2023, Tập đoàn Qtech (Trung Quốc) đã đến tỉnh Nghệ An khảo sát địa điểm, tìm hiểu môi trường đầu tư tại các khu công nghiệp và đề xuất đầu tư dự án mới có tổng mức đầu tư 430 triệu USD trên diện tích đất khoảng từ 10-15 ha. Đây là tập đoàn sản xuất module camera thuộc top 3 trên thế giới.
Và như dự báo của ông Châu Hoành, đại diện Công ty TNHH Tư vấn DH Việt Nam (chuyên tư vấn cho các DN Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư), lĩnh vực công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục được các DN Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Chính vì thế mà mới đây trên tờ Nikkei Asia có dẫn lời Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) Kim Hyong-mo cho rằng nhà đầu tư Hàn Quốc bắt đầu cảm nhận sức ép của đối thủ Trung Quốc tại Việt Nam.
Theo ông Kim, các DN Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam đang cảm thấy bị các công ty Trung Quốc đẩy lùi tại thị trường này. Mặc dù nhìn vào lượng đầu tư tích lũy vào Việt Nam kể từ năm 1988, Hàn Quốc đứng đầu với 85,8 tỷ USD, vượt qua Singapore và Nhật Bản, tuy nhiên, trong những năm gần đây, Hàn Quốc đang phải cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc.
Trong khi đó, đánh giá từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc tăng, vượt qua Đài Loan, Hàn Quốc và xếp thứ 2 trong 67 đối tác có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu của năm 2024. Điển hình là dự án đầu tư mới lớn (140 triệu USD) trong lĩnh vực sản xuất pin, ắc quy, tấm pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang.
Riêng hồi năm 2023, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam được ghi nhận đã tăng trên 77%, đạt 4,47 tỷ USD với 707 dự án, là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam.
Có thể nói, từ động thái cấp tập vào Việt Nam của các DN sản xuất nguyên phụ liệu dệt may của Trung Quốc, rồi những con số “biết nói” về việc rót vốn đầu tư lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, và sự dè chừng của các DN Hàn Quốc tại Việt Nam trước sức ép từ các công ty Trung Quốc, để từ đó nhận thấy ai sẽ “hớt tay trên” ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam trong thời gian tới. Nhất là khi lĩnh vực này vẫn còn là mặt hạn chế của nhiều DN nội địa.
Thế Vinh
Nguồn:Vnbusiness.vn