Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp đủ năng lực để trở thành nhà cung cấp cấp 1 chưa nhiều. Vì vậy, ngoài mong muốn được cung cấp thêm thông tin về nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp đang rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ nhiều hơn nữa về cơ chế, chính sách.
Sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm
Còn yếu và thiếu so với yêu cầu thực tiễn
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.
Mặc dù có sự tăng trưởng tích cực cả về số lượng và chất lượng, nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đàm Hồng Phúc, Trường Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, nếu so với Thái Lan, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam làm nhà cung cấp cấp 1 cho các tập đoàn lớn chỉ bằng 1/7 và số lượng doanh nghiệp Việt Nam làm nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 cho các tập đoàn lớn chỉ bằng 1/10 của quốc gia này.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu so với yêu cầu của thực tiễn, nên các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đạt khoảng 5-20%; điện tử 5-10%; da giày, dệt may 30%; cơ khí chế tạo đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 15-20%.
Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Trần Thị Lan Anh cho biết, tỷ lệ nội địa hóa phản ánh mức độ tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước. Mặc dù các ngành công nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại di động, điện tử và máy tính, phương tiện vận tải và phụ tùng… được cho là đã gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng không được đánh giá cao do tỷ lệ nội địa hóa trong nước thấp.
Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ ở mức dưới 0,5% doanh thu, trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%. Tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hằng năm chỉ đạt khoảng 10% trong 5 năm qua (các nước khác trong khu vực khoảng 15-20%).
Cần gói giải pháp cấp thiết, đặc thù
Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương cho biết, để trở thành nhà cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp cần vượt qua nhiều hạng mục tiêu chí do đối tác đặt ra. Như Samsung có 4 bộ chỉ số về bảo đảm chất lượng, an toàn an ninh, kiểm soát minh bạch, bảo đảm chỉ số sản xuất. Tương tự, các hãng khác của Hoa Kỳ, Nhật Bản… cũng đều quy định như vậy.
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu một phần là do các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thời gian qua đã được ban hành khá đầy đủ nhưng khi áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Chưa kể, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công nghiệp hỗ trợ mới chỉ dừng ở cấp nghị định, thông tư. Trong khi công nghiệp hỗ trợ là một lĩnh vực quan trọng, Việt Nam vẫn chưa có một bộ luật về lĩnh vực này. Vì vậy, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ thì có, nhưng chưa tạo được hành lang pháp lý đủ tốt cho doanh nghiệp phát triển.
Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân đề xuất, Chính phủ cần sớm xây dựng và trình để ban hành luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trước mắt, cần có một nghị quyết về chính sách thí điểm cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, quyết tâm đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5%-10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam và đặt mục tiêu đến năm 2045, doanh nghiệp Việt Nam có ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao. Cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực của đất nước và cạnh tranh không cần thiết. Phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì như ô tô - điện tử - công nghiệp đóng tàu - nông ngư nghiệp - da giày - dệt may...
Chính phủ cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp...) vì hiện các quy định về điều kiện vay vốn vẫn còn trở ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Cho phép các doanh nghiệp tư nhân thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại.
“Mặt khác, cần có quy hoạch hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu tại 3 miền Bắc - Trung - Nam; hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao, hỗ trợ công nghệ khi nhập khẩu các thiết bị cũ đã qua sử dụng nhưng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và Việt Nam; trực tiếp dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sản xuất”, ông Nguyễn Vân chia sẻ.
Nguồn:Hanoimoi.vn