Mặt hàng Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới siêu đắt hàng tại châu Phi, xuất khẩu tăng hơn 5.000% kể từ đầu năm

Các quốc gia châu Phi đã tăng nhập khẩu mặt hàng này hàng nghìn % trong 11 tháng đầu năm.

Việt Nam được biết đến là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh. Từ cuối năm 2022 đến nay, ngành dệt may đã phải đối mặt với khó khăn do nhu cầu trên toàn thế giới chậm lại, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu dẫn đến tiêu thụ giảm, xuất khẩu giảm. Tuy nhiên nước ta vẫn tìm được những ‘mỏ vàng’ xuất khẩu khi ghi nhận mức tăng trưởng nhập khẩu lên đến hàng nghìn % từ khu vực châu Phi.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan đã chỉ ra rằng xuất khẩu nhóm hàng dệt may của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm đạt hơn 30,4 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2022. Dù sụt giảm nhưng ngành dệt may đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực khi tháng 11 đã thu về hơn 2,75 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng trước đó cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành hàng này.

Theo thống kê, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Mỹ nhiều nhất với tỷ trọng 43%, đạt 13,17 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm. Nhật Bản đứng thứ 2 với 12% thị phần, tương đương với 3,71 tỷ USD. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 3 với thị phần 9,3%, tương đương với 2,82 tỷ USD.

 

Mặc dù xuất khẩu sang các thị trường lớn có phần suy giảm tuy nhiên các thị trường ngách của Việt Nam lại có phần khởi sắc, điển hình là tại khu vực châu Phi. Theo thống kê, xuất khẩu hàng dệt may sang Mozambique đã thu về hơn 15,9 triệu USD, tăng mạnh 5.324% so với cùng kỳ năm 2022, là thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất của ngành dệt may trong 11T/2023.

Bờ Biển Ngà là thị trường châu Phi thứ 2 ghi nhận mức tăng trưởng 4 chữ số. Trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này thu về hơn 12 triệu USD, tăng 2.612% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chưa năm nào ngành dệt may xuất khẩu vào nhiều thị trường như năm nay với 104 thị trường, vùng lãnh thổ. Khi thị trường xuất khẩu lớn giảm, các doanh nghiệp đã tìm cách mở rộng sang các thị trường như Châu Phi, Nga, Ấn Độ…nhờ nỗ lực của doanh nghiệp, xuất khẩu năm 2023 được dự báo sẽ đạt khoảng 40,3 tỷ USD.

Cũng trong năm 2023, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi rõ rệt. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như: đồ nỉ, quần short, quần áo trẻ em… Ở chiều ngược lại, các mặt hàng như: đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans lại tăng nhanh. Sang năm 2024, dự liệu thị trường vẫn nhiều khó khăn, nhưng ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 10%, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến 44 tỷ USD.

Tín hiệu tích cực là hiện đơn hàng xuất khẩu quý 4 đã tốt hơn, kỳ vọng duy trì cho cả năm 2024. Việt Nam cũng có lợi thế so với các quốc gia đối thủ như đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 16 FTA đã ký kết và thực thi 3 FTA đang trong quá trình đàm phán; và là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga.

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

 

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/