Nhật Bản nhập nhiều hàng dệt may, thủy sản từ Việt Nam
Trong tổng số 21,3 tỷ USD hàng hóa sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản trong 11 tháng 2023, hàng dệt may dẫn đầu với kim ngạch 3,71 tỷ USD,phương tiện vận tải và phụ tùng gần 2,7 tỷ USD, thủy sản 1,4 tỷ USD...
Theo số liệu thống kê của Tổng cục hài quan, trong tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 2,04 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng trước, kết quả này đưa kim ngạch xuất khẩu 11 tháng sang thị trường này đạt 21,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại sau 11 tháng, Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản khoảng 1,5 tỷ USD, tăng 127,2% so với cùng kỳ năm trước.
Mức giảm 3,8% là mức giảm thấp nhất so với nhiều thị trường lớn (xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 13,1%, EU giảm 11,1%, ASEAN giảm 6,2%...).
Với 126 triệu dân Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với nhiều hàng hóa sản xuất từ Việt Nam, bao gồm nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo (hàng dệt may, giày dép, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại...) tới các mặt hàng nông thủy sản, đặc biệt là cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt, sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê…
Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng năm 2023 là: Hàng dệt may đạt 3,7 tỷ USD, chiếm 17,4% tỷ trọng xuất khẩu, tăng 0,26% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,68 tỷ USD, tăng 17,7%, chiếm 12,6%. Tiếp sau là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 11,7% tỷ trọng xuất khẩu.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 1,52 tỷ USD, thủy sản đạt gần 1,4 tỷ USD, giày dép các loại 950 triệu USD, sản phẩm từ chất dẻo 631 triệu USD, sản phẩm từ sắt thép 541 triệu USD...
Một số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong 11 tháng đầu năm 2023: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 8,5%; hạt điều tăng 17%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 587,4%.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản đang được hỗ trợ bởi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đang thực thi, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Chiến lược và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) .
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam. Những FTA này đã và đang tạo ra khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
Nhờ các FTA hiện hành, hàng hóa xuất nhập khẩu đều có thể tận dụng được ưu đãi thuế quan tốt nhất. Bộ Công thương cho biết, trong số 24,23 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2022 sang Nhật Bản, Việt Nam đã cấp C/O ưu đãi (mẫu AJ, VJ và CPTPP) cho lượng hàng hóa trị giá 8,65 tỷ USD, tương đương tỷ lệ sử dụng ưu đãi là 35,71%.
Ngoài ra, hai nước có cơ cấu xuất nhập khẩu mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp (Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng… trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về xuất khẩu các sản phẩm này).
Nguồn: Baodautu.vn