Đơn hàng tăng trở lại ở những thị trường chủ lực
Hoạt động sản xuất công nghiệp đang phục hồi tăng tốc trong các tháng cuối năm sau giai đoạn bĩ cực, khi đơn đặt hàng tăng trở lại ở những thị trường chủ lực. Và điều quan trọng là vẫn chờ những giải pháp mạnh mẽ để tiếp tục kích thích sản xuất.
|
Nhiều doanh nghiệp đang bước vào cao điểm sản xuất cuối năm. |
Các chuyên gia cho rằng hiện nay, triển vọng kinh tế thế giới đang dần sáng hơn, sức cầu đã quay trở lại. Nhiều doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã tận dụng được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đầu tư công nghệ, tái cơ cấu doanh nghiệp. Do vậy, sản xuất đang dần được cải thiện, doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội, có thêm nhiều đơn hàng mới, nhiều doanh nghiệp thậm chí đã có đơn hàng đến năm 2024.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 3% so với tháng trước (tháng 10/2023 tăng tăng 5,5% so với tháng 9/2023) nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng tới 5,8%, đây là tháng có mức tăng cao gần nhất kể từ đầu năm (chỉ sau mức tăng 7% của tháng 02/2023). Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%...
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11,8%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,2%; dệt tăng 5,9%.
Đơn cử như với ngành dệt may, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam từ cuối quý I/2023 đến giữa quý III/2023 tăng trưởng của xuất khẩu dệt may chậm lại. Nhưng khi bắt đầu hiệu ứng về lượng tồn kho trên toàn cầu giảm (trong đó có thị trường chủ lực như Mỹ), thì quý IV/2023 đang tăng trưởng trở lại.
Dẫn chứng trường hợp đơn hàng của Nike (nhà cung cấp toàn cầu về quần áo, giày, quần áo và dụng cụ thể thao) trong quý III/2023 ở mức độ thấp, nhưng trong quý IV/2023 lượng đơn hàng của hãng này dành cho các doanh nghiệp gia công ở Việt Nam đã tăng.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới nếu Chính phủ đưa ra được những giải pháp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may thì tin rằng lĩnh vực này sẽ vững vàng hơn, nhất là trước hiệu ứng của việc đơn hàng tăng trở lại trong quý IV/2023.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, như tại Công ty cổ phần An Tiến Industries ở Khu Công nghiệp phía Nam (Yên Bái), cả hai nhà máy sản xuất bột đá CaCO3 và Nhà máy Sản xuất hạt nhựa phụ gia đều đang hoạt động hết công suất. Ước tính năm 2023, tổng doanh thu tiêu thụ đạt trên 903 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt gần 36,5 triệu USD.
Không chỉ các đơn vị nêu trên, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua đã chủ động tìm kiếm đơn hàng, thay đổi phương thức sản xuất, tìm nguồn nguyên liệu sản xuất để tăng tốc cho những tháng cuối năm.
Hay như TP. Hồ Chí Minh, chỉ số tiêu thụ ở một số nhóm ngành và sản phẩm công nghiệp chủ yếu cũng tăng cao. Trên cơ sở này, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang tiếp tục nỗ lực hoàn thành kế hoạch của năm, cũng như bắt tay hợp tác đa ngành nhằm tăng thêm giá trị cộng hưởng thương hiệu và nguồn lực.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhận định, ngành công nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm, tiếp tục duy trì, khẳng định vị trí là ngành chủ đạo, có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn so với chỉ số chung của toàn ngành. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 nhóm ngành trọng điểm 11 tháng năm 2023 tăng 6,3% so với cùng kỳ, cao hơn 2,2% so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
Tập trung giải pháp mạnh để kích thích sản xuất
Thực tế cho thấy đà phục hồi sản xuất đã trở nên mạnh mẽ từ đầu quý IV/2023 cho đến nay. Như hồi tháng 10/2023, chỉ số IIP đã tăng 5,5% so với tháng 9/2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022. Còn nếu nhìn vào chỉ số IIP tháng 11/2023 sẽ thấy đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 13 tháng trở lại đây (trước đó chỉ số IIP từng tăng 6,3% so với cùng kỳ trong tháng 10/2022).
Theo giới phân tích, điều này phản ánh xu hướng phục hồi rõ rệt hơn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, được thúc đẩy bởi sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng mới do triển vọng ở một số thị trường xuất khẩu chủ lực (đơn cử như Mỹ) đã tích cực hơn.
Ngoài ra, Chính phủ đang thúc đẩy các gói kích thích tài khóa và đầu tư công trong giai đoạn 2023-2024 được cho là sẽ làm tăng cường trong nước đối với các sản phẩm công nghiệp.
Nhất là ngày 29/11, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến hết 30/6/2024 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (giảm còn 8%). Việc áp dụng giảm thuế 2% như vậy để kích thích sản xuất công nghiệp là rất quan trọng. Giới chuyên gia cho rằng, việc sử dụng dư địa chính sách tài khóa, kích cầu tiêu dùng là giải pháp mạnh mẽ để kích thích sản xuất công nghiệp, kích cầu tiêu dùng và sản xuất trong thời gian tới. Tuy vậy, chính sách cần phải đủ tính dài hơi mới mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
Để thúc đẩy ngành sản xuất công nghiệp cuối năm và lấy đà tăng trưởng cho năm 2024, theo Bộ Công Thương, Bộ sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.
Về phía Tổng cục Thống kê cũng đề xuất, Chính phủ tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…
Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh các chương trình kích cầu, khuyến mãi nhằm tăng sức mua của người dân, giúp các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm, dệt may, da giày giảm áp lực đầu ra, mở rộng thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó. Đặc biệt đối với các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, các địa phương cần tổ chức nhiều triển lãm kết nối cung cầu, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm được đối tác, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Về phía các doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mong muốn bình ổn giá điện, nước, nhiên liệu để hạn chế gia tăng chi phí sản xuất sản phẩm; đồng thời, kiến nghị Chính phủ kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Cùng với đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn.
Có thể nói, để hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi, tăng tốc tốt hơn không chỉ vào thời điểm cuối năm mà cho cả các tháng tới, đang đòi hỏi cần có những đột phá trong hoạt động xuất khẩu. Song song đó, rất cần tiếp tục có những giải pháp mạnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, để các daonh nghiệp phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng ngay khi bước sang năm 2024.
Nguồn: Congthuong.vn