Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với các “tiêu chuẩn xanh”

EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Việc thực hiện các nỗ lực chuyển dịch xanh và trung hòa phát thải, đặc biệt là trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh châu Âu sẽ ảnh hưởng đáng kể tới xuất khẩu (XK) của Việt Nam. Do vậy, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của EU là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp (DN) XK.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu chia sẻ, Thỏa thuận xanh châu Âu là một kế hoạch toàn diện để đạt được sự trung lập về khí hậu. Đó cũng là một chiến lược để phát triển. Đối với các DN, sẽ có những yêu cầu mới về tính bền vững đòi hỏi sự điều chỉnh trong hoạt động sản xuất. Chiến lược này cũng sẽ cung cấp những khả năng mới cho hoạt động kinh doanh cả trong và ngoài EU.

Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với các “tiêu chuẩn xanh” -0Hàng dệt may vào EU phải có tuổi thọ cao, tái chế được. Ảnh minh họa: CTV

Một số chính sách/chiến lược có thể nhìn thấy ngay việc ảnh hưởng đến XK sang EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork), Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn, hay là Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030. Tháng 12/2022, EU thông báo thực hiện CBAM. EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa XK được nhập khẩu vào thị trường này, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại. Theo đó, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ gây ô nhiễm cao như xi măng, thép, phân bón, nhôm, điện và hydro, là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của châu Âu. Cơ chế sẽ được giới thiệu dần dần cho đến cuối năm 2025 và sau đó sẽ được áp dụng đầy đủ vào năm 2026.

Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với các “tiêu chuẩn xanh” -0Yêu cầu chuyển đổi xanh để thích ứng với những tiêu chuẩn mới của EU trở nên cấp thiết hơn trong tình hình hiện nay.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), Thỏa thuận xanh châu Âu là chính sách áp dụng trong nội bộ EU nhưng lại có tác động tới các nước XK vào EU, trong đó có Việt Nam. Với các chính sách xanh được nhận diện tới thời điểm hiện tại của Thỏa thuận xanh châu Âu, có 7 nhóm sản phẩm XK của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU trong thời gian tới.

Cụ thể bao gồm: sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện liên quan; nông sản (đặc biệt là cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt…), thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; thực phẩm các loại (đặc biệt là thực phẩm hữu cơ); dệt may, giày dép; các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy; sắt thép, nhôm, xi măng; bao bì của các loại sản phẩm (nhất là bao bì thực phẩm, hóa chất…).

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)  cho rằng, những tiêu chuẩn xanh của EU đặt ra những thách thức nhưng cũng đặt ra những cơ hội. Đáp ứng được các tiêu chuẩn phát triển bền vững sẽ giúp DN nâng tầm giá trị và cũng giúp xây dựng các thương hiệu của người Việt Nam, của DN Việt Nam tại thị trường châu Âu.

“Tập đoàn đang chủ động khâu đào tạo nhân sự cho chiến lược phát triển bền vững này để thay đổi nhận thức về tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất thử nghiệm đối với mặt hàng phát triển bền vững thực sự sẽ rất tốn kém, tốn nhiều chi phí và đang là mục tiêu nằm trong chiến lược trung và dài hạn”, ông Vương Đức Anh chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, các DN cần theo dõi sát diễn tiến các chính sách xanh ở EU, nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình. Đồng thời, có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động từ sớm, từ xa để dần thích ứng và bảo đảm khả năng tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi EU áp dụng chính thức.

Nguồn: Cand.com.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/