Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ lùi thời gian trình phương án tăng lương tối thiểu tới cuối năm nay. Theo Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - ông Tống Văn Lai, Hội đồng Tiền lương quốc gia dự kiến sẽ bàn bạc về thời điểm và mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 vào cuối quý IV/2023, cuộc họp sẽ diễn ra khoảng cuối tháng 11/2023 đầu tháng 12/2023.
|
Hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm trong những tháng đầu năm nay (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Đầu tháng 8 vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên bàn phương án lương tối thiểu cho năm 2024. Thông thường, cuối tháng 7 đầu tháng 8 hàng năm, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp để chốt phương án khuyến nghị cho Chính phủ.
Tuy nhiên, từ tình hình thực tế, Hội đồng Tiền lương quốc gia nhận thấy, nửa đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội dù có những điểm sáng, nhưng thị trường lao động vẫn chưa thực sự ổn định, một số ngành nghề, đặc biệt trong các ngành thâm dụng lao động như: Dệt may, da giày, chế biến gỗ bị ảnh hưởng rất lớn bởi tình trạng thiếu đơn hàng, dẫn đến lao động mất việc, giãn việc…
Như vậy, theo ông Tống Văn Lai, với bối cảnh hiện nay, chắc chắn không thể thực hiện tăng lương tối thiểu từ đầu năm 2024. Bởi sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia khuyến nghị xong, Chính phủ mới xem xét, quyết định, cần có quy trình luật hóa bằng việc xây dựng Nghị định. "Mức điều chỉnh ra sao tại thời điểm này chúng tôi chưa thể xác định được và đang chờ kết quả từ phiên họp cuối năm của Hội đồng Tiền lương quốc gia"- ông Lai nói.
Điểm lại 10 năm qua, lương tối thiểu thường điều chỉnh vào ngày 1/1 hàng năm nhưng riêng năm 2022 lại điều chỉnh vào ngày 1/7, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, năm 2024 cũng sẽ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng vào ngày 1/1/2024.
Trước đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm nay mới bàn thảo tiếp về mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh. Nguyên nhân là do suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các ngành sử dụng nhiều lao động như: Dệt may, da giày, gỗ... khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm... Việc điều chỉnh mức tăng và thời điểm tăng sẽ cần phải được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động. Từ ngày 1/7/2022 đến nay, lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu đồng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng, vùng 3 là 3,64 triệu đồng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 9 tháng qua, mặc dù thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động có việc làm quý 3/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, song tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra. Thống kê của bộ này cũng cho thấy trong 9 tháng năm 2023, cả nước có hơn 812.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 10% so với cùng kỳ, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 772.000 người, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Lý giải về tình trạng lao động nộp hồ sơ đề nghị và có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, có nguyên nhân do ảnh hưởng của sản xuất kinh doanh 9 tháng qua vẫn còn ảnh hưởng hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp giải thể, thiếu đơn hàng, nhất là các doanh nghiệp thâm dụng lao động, dẫn đến số lao động mất việc tăng. Do vậy, kéo theo số lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng. Ngoài ra, nhiều lao động nghỉ việc trước Tết, nhưng sau đó mới nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng kéo tăng số hưởng chung của 9 tháng.
Theo đó, để giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ tăng cường kết nối cung cầu lao động, kết nối thông tin việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng cường đào tạo nghề cho người lao động…