Hiệp định CPTPP: “Cú huých” cho hàng Việt xuất khẩu vào Canada

Kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào Canada đã tăng tới 110% sau 5 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Canada hiện là 1 trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam

Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada chia sẻ, Canada hiện là 1 trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trên thế giới. Theo số liệu của nước sở tại, tính cả trung chuyển qua Hoa Kỳ, trong năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn đã tăng 26,4% về giá trị kim ngạch so với năm 2021. 5 năm sau khi thực thi CPTPP xuất khẩu của chúng ta sang địa bàn đã tăng hơn gấp đôi, tức là từ mức 4,1 tỷ USD năm 2018 lên đến 9,9 tỷ USD năm 2022.

Hiệp định CPTPP: “Cú huých” cho hàng Việt xuất khẩu vào Canada
Dệt may là một trong những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ lực sang Canada

Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Canada cũng tăng tới 110% sau 5 năm. Canada chính là thị trường tỷ USD có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong nhóm các nước CPTPP.

Với mức tăng trưởng xuất khẩu cao như vậy, hiện nay, Việt Nam đã trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ bảy của Canada và Canada cũng là nước chúng ta có thặng dư thương mại rất lớn, lên đến trên 9 tỷ USD.

Hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Canada đến nay vẫn được hưởng cả ưu đãi thuế quan theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN), ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và CPTPP.

“Thực tế cho thấy sau khi thực thi CPTPP thì xuất khẩu của những mặt hàng hưởng thuế bằng 0 như điện thoại, điện tử, điện máy, kim loại cơ bản, thủy sản, rau củ quả hay, sản phẩm khác như gạo điều, chè, cà phê… thì dù sử dụng form ưu đãi nào sang địa bàn cũng tăng đột biến” – bà Trần Thu Quỳnh chia sẻ. Đồng thời nhấn mạnh, có những mặt hàng tăng đến 1000%, cho thấy CPTPP đã có tác dụng đòn bẩy giúp các doanh nghiệp của hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm và thị trường của nhau, từ đó gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu cả những mặt hàng không có lộ trình giảm thuế.

Bên cạnh đó, CPTPP còn có tác động tích cực đến xuất khẩu Việt Nam thông qua sự phát triển hơn của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics giữa hai nước.

Mặc dù vậy, theo nghiên cứu mới đây của Thương vụ Việt Nam tại Canada thì tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng xuất khẩu sang Canada vẫn chưa cao, mới đạt khoảng 18%. 81% hàng xuất khẩu của chúng ta sang địa bàn vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan MFN, khoảng dưới 1% vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan GPT (thuế quan ưu đãi do Canada áp dụng cho các nước đang và kém phát triển) và GSP.

“Mặc dù tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng xuất khẩu Việt Nam qua 5 năm tăng đều nhưng khoảng 4 tỉ USD, tức khoảng 60% các sản phẩm của chúng ta đáng lý được hưởng thuế CPTPP bằng 0 thì vẫn chưa tận dụng được” – bà Trần Thu Quỳnh chia sẻ.

Trong khi đó, mức độ chênh lệch về thuế giữa MFN với CPTPP hay là giữa GSP với CPTPP khá lớn. Đáng chú ý, mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta sang địa bàn khá cao, tuy nhiên theo ước tính có đến trên 60% xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn là các sản phẩm của khu vực FDI có thương hiệu riêng. Trong khi khu vực công nghiệp nội địa của chúng ta xuất khẩu sang địa bàn chủ yếu vẫn là xuất thô hoặc gia công. Các lĩnh vực, mặt hàng như giày dép, quần áo, đồ chơi, gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nhựa… đều là những sản phẩm có thể phát triển theo hướng thương hiệu riêng, nhưng thực tế cho đến nay thì các sản phẩm thương hiệu Việt Nam vẫn chưa có mặt nhiều tại địa bàn.

Đối với phát triển thương hiệu hàng Việt riêng tại Canada, bà Trần Thu Quỳnh cho hay, Canada là một nền kinh tế mở và có chính sách nhập cư thông thoáng, cơ cấu sắc tộc rất đa dạng. Cho nên nếu doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang địa bàn này thì có nghĩa là có thể xuất khẩu đi mọi nơi trên thế giới. Đây như một thị trường thử nghiệm cho tất cả các mặt hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển thương hiệu riêng.

Hơn nữa, Canada còn là đất nước có chỉ số kinh tế khả quan nhất trong khối G7, cho nên vẫn là nước có tốc độ tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng nhập khẩu rất cao.

Canada ngày càng nhận thức rõ nhu cầu phải đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa bạn hàng. Đặc biệt, cuối năm vừa qua, Canada vừa công bố chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, trong đó định vị ASEAN là trung tâm của khu vực và đang thúc đẩy để ký kết các hiệp định thương mại tự do Canada – ASEAN. Vừa rồi, Canada đã nâng cấp quan hệ với ASEAN lên cấp đối tác chiến lược.

Đối với sự điều chỉnh chiến lược và địa chính trị của Canada như vậy thì Việt Nam có rất nhiều lợi thế và hầu hết đều được các doanh nghiệp của Canada đánh giá như một cửa ngõ hợp lý để đi vào khu vực nhờ các ưu thế về giá cả, sự ổn định…

Đặc biệt giữa hai nước đã có cơ chế Ủy ban hỗn hợp kinh tế để trao đổi định kỳ các vấn đề và các triển vọng hợp tác kinh tế thương mại.

Một điểm nữa cũng rất quan trọng giữa hai nền kinh tế là chúng ta và Canada đều là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do khác, ví dụ như chúng ta đều là thành viên cùng với Canada trong CPTPP, đều có FTA với Liên minh châu Âu hay với Vương quốc Anh hay với Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi này thì còn rất nhiều những thách thức và đặc biệt là thách thức rất quan trọng đối với các doanh nghiệp muốn phát triển thương hiệu riêng của chúng ta khi xuất khẩu sang địa bàn. Đó là Canada là nước có nền kinh tế mở và họ cũng thúc đẩy các mạng lưới Hiệp định thương mại tự do rất rộng. Họ đang có chính sách hướng về Nam Mỹ và hướng về các nước đồng minh. Chính vì vậy họ đã có một loạt các hiệp định thương mại tự do ở khu vực Châu Mỹ, ví dụ như với Peru, Chile, Costa Rica, Colombia… và sắp tới họ có thể ký cả với Ấn Độ và Indonesia.

Tình hình này sẽ làm cho rất nhiều ngành hàng xuất khẩu của chúng ta sẽ gặp những khó khăn để mà cạnh tranh và gia nhập thị trường.

Một điểm khó khăn nữa là Canada cũng vừa mới công bố gia hạn chương trình ưu đãi phổ cập thuế quan cũng như chương trình ưu đãi phổ cập thuế quan tăng cường dành cho những nước theo Canada là đã đạt được các tiêu chuẩn về nhân quyền, bình đẳng giới, điều kiện lao động và biến đổi khí hậu…

“Rất nhiều những “đối thủ” cạnh tranh với Việt Nam trong các lĩnh vực dệt may, da giày… sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi phổ cập thuế quan như Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Campuchia, Ai Cập, El Salvador…” – bà Trần Thu Quỳnh thông tin.

Tất cả những điều này đều là những thách thức rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn nói chung và đối với việc phát triển các thương hiệu riêng của các doanh nghiệp Việt Nam sang địa bàn.

Giải pháp nào để xây dựng thương hiệu riêng tại Canada?

Về giải pháp để xây dựng thành công thương hiệu riêng, bà Quỳnh cho rằng, không có giải pháp chung và cũng không nên tìm con đường giống nhau cho tất cả mọi doanh nghiệp và ngành hàng. Thương vụ khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam sản xuất theo thương hiệu riêng, tuy nhiên sản xuất gia công hay sản xuất theo nhãn hàng của các chuỗi siêu thị và các nhà nhập khẩu phân phối lớn của thế giới cũng là phương cách để các doanh nghiệp của chúng ta tiếp cận thị trường một cách bền vững và có đơn hàng ổn định. Nhiều mặt hàng của chúng ta đã có mặt ổn định ở các hệ thống siêu thị ở Canada nhờ chấp nhận sản xuất gia công theo nhãn hiệu của Canada, ví dụ như các sản phẩm nước dừa hay tôm chiên bột, nước mắm...

Điều này không chỉ đúng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Thương vụ cũng khuyến khích ngay cả với các doanh nghiệp lớn trong các ngành như đường, sữa, cà phê của Việt Nam. Các thương hiệu rất lớn của Việt Nam hiện nay cũng đều chấp nhận làm gia công cho các thương hiệu của các chuỗi siêu thị lớn ở nước ngoài.

Ngược lại, có những ngành mà Thương vụ cho rằng bắt buộc phải phát triển thương hiệu riêng.

Ví dụ như dịch vụ, nếu muốn xuất khẩu dịch vụ như dịch vụ xây dựng, dịch vụ nhượng quyền thương mại, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin thì bắt buộc phải có thương hiệu và Tập đoàn FPT đã rất thành công với việc phát triển thương hiệu dịch vụ của mình tại Canada.

Hay đối với ngành công nghiệp may mặc, giày dép, túi xách… là những lĩnh vực, ngành hàng mà các doanh nghiệp đáng lẽ phải rất mạnh dạn để đầu tư phát triển thương hiệu riêng từ rất lâu, khi mà chúng ta đã làm chủ được công nghệ may, nắm được nguồn nguyên vật liệu thì đừng nghĩ đến làm gia công nữa.

“Chúng ta hoàn toàn có những phân khúc mà có thể tiếp cận được rất tốt, bởi vì đối với các dòng hàng thời trang như quần áo hay là giày dép, túi xách… là những thị trường rất thay đổi và thị hiếu tiêu dùng cũng còn rất nhiều tiềm năng, có biên độ lợi nhuận cao” – bà Quỳnh chỉ rõ. Đồng thời đặt câu hỏi: Ví dụ như đối với ngành da giày, tại sao doanh nghiệp không nghĩ đến các phân khúc khác như là giày đặc chủng, giày dép thời trang, giày dép trẻ em hay giày dép trong nhà? Tương tự như vậy đối với ngành dệt may, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển các thương hiệu quần áo riêng như quần áo trẻ em, quần áo đi biển, quần áo bảo hộ lao động hay quần áo ngủ…

Trong câu chuyện phát triển thương hiệu riêng, bà Quỳnh cho rằng, các doanh nghiệp cần phải đi chung với nhau và đặc biệt phải đi chung với các hiệp hội ngành hàng của mình để cùng xây dựng chiến lược phát triển thị trường theo giai đoạn đúng với câu “buôn có bạn bán có phường”.

Nguồn: Congthuong.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/