Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Một trong những “luật chơi” mới thị trường đang đòi hỏi cấp thiết để hướng tới tính bền vững đối với sản phẩm đó là “Chuyển đổi xanh”. Đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện như trước, mà đã trở thành điều kiện bắt buộc, nếu muốn tham gia thị trường.
“Chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh”, chuyên gia Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) khẳng định.
Các nước đang triển khai nhiều hành động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đã ban hành những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu (NK). Vì vậy, các ngành hàng xuất khẩu (XK) không thể đứng ngoài cuộc, đặc biệt là những ngành hàng tiêu dùng lớn, sử dụng nhiều lao động, quỹ đất và tài nguyên như dệt may, da giày, chế biến gỗ...
Theo chia sẻ của bà Đinh Thị Bảo Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, ngành dệt may toàn cầu đang dần chuyển đổi theo hướng “xanh hóa”, nghĩa là thay đổi quy trình sản xuất, lưu thông sản phẩm theo hướng giảm thiểu ô nhiễm đầu vào và đầu ra, tiết kiệm nguồn lực, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng (NTD) đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Do đó, các tiêu chí để đạt được mục tiêu “xanh hóa” rất quan trọng, nên các doanh nghiệp (DN) cần quan tâm đến các vấn đề: Hiệu quả năng lượng; Tiết kiệm nước; Sử dụng năng lượng tái tạo; Xử lý chất thải và bao bì. Hơn nữa, xu hướng chuyển đổi xanh tác động đến dịch chuyển của chuỗi cung ứng, đã và đang tác động trực tiếp đến các DN dệt may Việt Nam trong thời gian gần đây.
Với “đầu vào” phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu NK, tỷ lệ nội địa hoá chỉ mới đạt 30-35% và “đầu ra” chủ yếu là gia công, nên ngành dệt may trong nước không chủ động được trong việc nghiên cứu, cải tiến công nghệ, định hướng thị trường theo hướng bền vững hơn… và khó tiến đến “xanh hoá”.
Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng - Giảng viên Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, Ấn Độ, Trung Quốc sản xuất vải từ nguyên liệu thân thiện môi trường rất tốt nhưng Việt Nam mới chỉ chủ yếu sản xuất thủ công do chưa được đầu tư nhiều về công nghệ. Với nguyên liệu thân thiện môi trường, hiện đã có đề án nghiên cứu thành công vải làm từ sợi bẹ chuối và sợi lá dứa và đề án này đã được triển khai ở 2 vùng nguyên liệu Đồng Nai và Long An. Tuy nhiên, do vướng về giá cả nên sản phẩm vẫn chưa thể ra mắt. Đã có DN đồng ý nhận xơ bẹ chuối, bạc hà dệt thành vải, nhưng giá khá cao khoảng 200.000 đồng/kg xơ, trong khi loại sợi NK giá cao nhất hiện nay chỉ 80.000 đồng/kg. Đây cũng là trở ngại để DN tiến đến xanh hóa.
Với thực trạng đó, theo đánh giá của ông Phan Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP Hồ Chí Minh, hiện nay chỉ mới có khoảng 15% -16% DN dệt may đã và đang chuyển đổi xanh. Thực tế, nhiều DN có tâm lý chờ đợi thị trường hồi phục, mà không nhận thấy lúc này là cơ hội vàng để chuyển đổi xanh. Trong khi đó, Bangladesh có ưu thế là vì họ làm từ sớm, có nhiều chứng chỉ xanh, trong khi phần lớn họ chỉ sản xuất hàng thông thường chứ không sản xuất hàng chất lượng cao như Việt Nam.
Theo ông Việt, khó khăn lớn nhất hiện nay của DN khi chuyển đổi xanh, đó là làm sao phải giải quyết được các vấn đề quan trọng: Thứ 1, phải thay đổi được nhận thức của con người; Thứ 2, nhân viên thiết kế phải biết sử dụng nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường như thế nào; Thứ 3, DN phải làm tốt trách nhiệm xã hội; Thứ 4, công nghệ phải thật tốt; và cuối cùng sản phẩm DN làm ra chất lượng rất cao, đồng nhất, nhưng giá rẻ. Vì vậy, để khuyến khích DN chuyển đổi xanh, cần cơ chế chính sách giảm thuế của Nhà nước đối với các DN chuyển đổi xanh. Đồng thời, cho DN chuyển đổi xanh được vay vốn để thực hiện chuyển đổi số và đầu tư công nghệ cao, nhằm giảm chi phí.
Với ngành chế biến gỗ, chuyên gia Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, ngoài những quy định bắt buộc hiện hành, DN Việt Nam sẽ đối diện với những đòi hỏi mới như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10/2023. Hàng hóa NK vào thị trường Châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon.
Theo ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS), trong bối cảnh hội nhập, ngoài mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư ở phạm vi khu vực, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới còn tích hợp các cam kết về môi trường và phát triển bền vững, với quan điểm cho rằng các hoạt động thương mại, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững không thể tách rời nhau, DN sản xuất XK cần hướng tới việc cân bằng các yếu tố về kinh tế - xã hội - môi trường trong quá trình phát triển.
Hiện nay, tại các thị trường XK chủ lực của Việt Nam, NTD ngày càng quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả hàng hóa. Nếu DN không có chiến lược chuyển đổi, khách hàng sẽ lựa chọn những nhà cung cấp khác đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh và phát triển bền vững, DN sẽ mất đơn hàng và sẽ không thể tồn tại.
Nguồn: Cand.com.vn