Xuất khẩu hụt gần 23 tỷ USD
Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 22,75 tỷ USD.
Bức tranh xuất khẩu nhiều gam trầm
Hoạt động xuất khẩu bị tác động mạnh từ kinh tế thế giới. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái, khiến bức tranh xuất khẩu không tươi sáng như mong đợi.
Ảnh hưởng này thấy rõ qua con số về xuất khẩu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 22,75 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,41 tỷ USD, giảm 11,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 121,04 tỷ USD, giảm 12,2%.
Có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong số này, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%). Khó khăn về thị trường, khi EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều giảm mua hàng từ Việt Nam, khiến cả 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD đều giảm từ 8,2% đến 17,9% so với cùng kỳ.
Cụ thể, xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 17,9%, đạt 24,3 tỷ USD; máy vi tính, điện tử và linh kiện giảm 9,3%, đạt 25,2 tỷ USD; máy móc thiết bị phụ tùng khác đạt 19,73 tỷ USD, giảm 8,2%. Trong khi đó, hàng dệt may, giày dép giảm lần lượt 15,3% và 15,2%, tương đương 15,75 tỷ USD và 10 tỷ USD.
Kể cả các nhóm hàng đóng góp xuất khẩu ít hơn cũng sụt giảm. Gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, đạt 6 tỷ USD; kim loại thường khác giảm 13,3%, đạt 2,13 tỷ USD; sắt thép giảm 17,2%, đạt 4,13 tỷ USD; sản phẩm từ sắt thép giảm 16,3%, đạt 2,05 tỷ USD; xơ sợi giảm 26,2%, đạt 2 tỷ USD; túi xách, vali giảm 9,4%, đạt 1,84 tỷ USD.
Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sang tất cả các thị trường lớn đều giảm. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 44,2 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ; Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, giảm 2,2%; xuất khẩu sang EU đạt 21,6 tỷ USD, giảm 10,1%; sang Nhật Bản đạt 11 tỷ USD, giảm 3,3%; sang ASEAN đạt 16,3 tỷ USD, giảm 8,7%; sang Hàn Quốc đạt 10,9 tỷ USD, giảm 10,2%.
Điểm sáng là xuất khẩu sang Trung Quốc đang hồi phục khá mạnh, kéo lùi mức giảm 6,8% của 5 tháng về mức giảm 2,2% sau 6 tháng.
Cùng với đó, một số mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng rất cao, như gạo mang về 2,3 tỷ USD, tăng 34,7%; rau quả 2,75 tỷ USD, tăng 64,2%; hạt điều 1,62 tỷ USD, tăng 7,7%; cà phê 2,04 tỷ USD, tăng 3%; giấy và sản phẩm từ giấy gần 1,05 tỷ USD, tăng 10,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng 6,6 tỷ USD, tăng 14,4%.
Đã thấy tín hiệu đơn hàng khá hơn
Dấu hiệu tích cực hơn về đơn hàng xuất khẩu đã rõ hơn trong tháng 6 khi xuất khẩu tăng 4,5% so với tháng trước. Còn tính trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,4 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,9% so với quý I/2023.
Dù 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, nhưng dự báo đơn hàng sẽ trở lại trong quý III, đặc biệt là quý IV, từ đó giúp xuất khẩu tăng tốc, bù đắp sự suy giảm trong nửa đầu năm.
Những yếu tố này tiếp thêm niềm tin cho đơn hàng sẽ trở lại trong quý III, đặc biệt là quý IV, từ đó giúp xuất khẩu tăng tốc, bù đắp lại suy giảm trong nửa đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản mang về 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ, nhưng từ tháng 5 và 6, đơn hàng đi các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc đã nhích nhẹ, kỳ vọng sẽ hồi phục rõ hơn trong quý III và quý IV khi nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ giảm gần một nửa so với cùng kỳ, đạt 563 triệu USD trong 5 tháng. Tất cả các phân khúc ngành hàng chính đều bị sụt giảm mạnh 30 - 60%. Hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra giảm sâu nhất, lần lượt thấp hơn 42% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nhìn nhận doanh số xuất khẩu từng tháng thì dường như thị trường này đang có tín hiệu tốt dần lên, thể hiện qua lượng hàng tồn kho giảm.
“Với diễn biến đó, có thể những tháng tới, lượng tồn kho giảm dần, nhất là vào dịp mua sắm cuối năm, khi đó các nhà nhập khẩu sẽ lấy lại tiến độ đặt hàng từ Việt Nam”, bà Hằng dự báo.
Ngành dệt may sụt giảm 15,3% so với cùng kỳ, nhưng vẫn có những doanh nghiệp thông báo kết quả kinh doanh tươi sáng. Ông Nguyễn Văn Phong, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Huế cho biết, năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận 120 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm, doanh nghiệp đã đạt hơn 50% mục tiêu đề ra.
Dệt may Huế cũng là một trong số ít doanh nghiệp sở hữu chuỗi cung ứng khép kín từ sợi tới may, gồm sợi, dệt, nhuộm, may và phân phối, giúp khắc phục “điểm nghẽn” của ngành, tự chủ được một phần nhu cầu vải, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong việc chốt đơn hàng với nhà nhập khẩu.
Trước tình hình khó khăn chung toàn ngành dệt may, doanh nghiệp đã đa dạng hóa mặt hàng để tồn tại. Đơn cử, Công ty cổ phần Đầu tư - Dệt may Thiên An Phát cho hay, có thể nhận đơn hàng từ váy thời trang, quần áo trẻ em, cho đến những mặt hàng đòi hỏi lao động tay nghề kỹ thuật cao như đồ da. Nhờ đó, Công ty ổn định việc làm cho người lao động.
Một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần May mặc xuất khẩu Impulse Fashion Tae Hee, Công ty cổ phần Dệt may Phú Hòa An thì thông tin đã có đơn hàng đến cuối năm.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có lợi thế như dệt may, da giày, điện tử… phụ thuộc nhiều vào cầu từ nước ngoài. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo cầu thế giới vẫn thấp, doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao, nhưng theo thông lệ, nhu cầu tiêu dùng mùa cuối năm sẽ tăng cao tại Mỹ, EU, Nhật Bản…, là cơ hội để các ngành sản xuất phục hồi.
Nguồn: Baodautu.vn