Big_Trends: Sau bất động sản, ngân hàng, dòng tiền có thể dịch chuyển sang dệt may, thép, thủy sản
Với kịch bản thận trọng hơn và dễ làm hơn với các nhà đầu tư là vẫn nên co gọn lại danh mục sau giai đoạn đầu tư “dễ dàng” trước khi có thể đánh giá, nghiên cứu các cơ hội triển vọng tiếp theo.
Đà tăng của TTCK vẫn còn ít nhất là tuần giao dịch cuối cùng của tháng 6 nhưng nhà đầu tư vẫn phải lưu ý đặc biệt với khu vực điểm 1.140 - 1.150 điểm trong bối cảnh một số bộ phận đám đông vẫn đang lo ngại về khả năng điều chỉnh bất ngờ của thị trường, hay những e ngại về câu chuyện địa chính trị quốc tế đang nóng lên ở các ngày cuối tuần.
Không phải không có lý khi câu nói cửa miệng của giới đầu tư hiện nay, đó là việc “chốt lãi không bao giờ sai” sau 5 tuần giao dịch sôi động với khá nhiều cơ hội lợi nhuận khá đã xuất hiện.
Việc mua vào ở nhiều cổ phiếu ăn khách nhóm ngành tài chính - chứng khoán - bất động sản - dầu khí - xây dựng xây lắp - dược phẩm đã tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư kiên trì với danh mục cổ phiếu không chỉ “về bờ” phần nào, mà có các cơ hội sinh lời đáng kể. Chưa kể, có nhóm nhỏ các nhà đầu tư có thể tự hào về mức sinh lời “đột phá” khi tham gia vào các cơ hội GEX, VIX, PVS... Hai tháng đầu tư ngắn hạn đã có thể khiến các nhà đầu tư “nức lòng” với kỳ vọng các cơ hội sẽ xuất hiện giai đoạn cuối năm.
Ngoại trừ nhiều sự kiện quốc tế như xung đội Nga - Ukraine, hay thông điệp về khả năng tăng lãi suất của Fed giai đoạn quý III, còn trong nước, đồng loại động thái hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp, như giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 trong năm, các ngân hàng thương mại lớn đồng loạt hạ lãi suất huy động, lãi suất tiết kiệm, đã khiến cho dòng tiền sẽ chảy mạnh hơn vào kênh cổ phiếu, cũng như kích thích các hoạt động huy động vốn thông qua TTCK. Tất nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng qua những gì xảy ra ở giai đoạn 2022, nhưng đã cải thiện hơn và bắt đầu nghĩ về những kịch bản tích cực hơn của TTCK trong giai đoạn tiếp theo.
Hàng loạt hoạt động thúc đẩy đầu tư công, các hoạt động ngoại giao lớn đi kèm với nhiều hợp đồng lớn được ký kết giữa Việt Nam với các nước phát triển, hay các chính sách hỗ trợ kinh tế đã mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho nền kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm và các năm tiếp theo. Kinh tế hồi phục giai đoạn cuối năm cũng sẽ giúp cho TTCK hướng tới các điểm cao mới trên đường quay lại khu vực đỉnh cũ 1.500 - 1.520 điểm vào giai đoạn 2024 - 2025.
Có lẽ nếu nhìn diễn biến VN-Index trong tuần cuối tháng 6 thì cơ hội để đạt mốc 1.150 điểm là không khó, nhưng các mốc điểm này hay ngưỡng 1.200 điểm trong giai đoạn tới vẫn là vùng kháng cự “rất mạnh” khi diễn biến điều chỉnh có thể kéo dài hơn không chỉ 3 - 8 phiên, mà có thể kéo dài 2 - 3 tuần và thời điểm này rất có khả năng diễn ra ở giai đoạn tháng 7. Như vậy, với kịch bản thận trọng hơn và dễ làm hơn với các nhà đầu tư là vẫn nên co gọn lại danh mục sau giai đoạn đầu tư “dễ dàng” trước khi có thể đánh giá, nghiên cứu các cơ hội triển vọng tiếp theo.
Suy cho cùng, dòng tiền luân chuyển liên tục giữa các nhóm ngành có thể sau nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí thì rất có thể có những nhóm ngành khác như dệt may, thép, thủy sản, bảo hiểm lại “lên tiếng”. Cơ cấu lại danh mục trong giai đoạn khi thị trường vẫn đang duy trì đà tăng trước vùng cản mạnh rồi sau đó tái đầu tư sau khi quan sát giai đoạn điều chỉnh tích lũy tiếp theo nên được ưu tiên. Biết đâu đó lại có những cổ phiếu nhiều tiềm năng tiếp theo lại nổi lên - cơ hội lại tiếp tục xuất hiện dành cho các nhà đầu tư linh hoạt.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn