Thiếu đơn hàng dự báo sẽ kéo dài sang năm 2024
Tình trạng thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp bắt đầu diễn ra từ khoảng tháng 9/2022 và được dự báo bước vào quý II/2023 có thể được cải thiện. Thế nhưng, đến nay gần cuối quý II/2023, tình trạng thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, gia giày, chế biến gỗ… vẫn đang tiếp diễn và càng khó khăn hơn.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra nhận định, nếu tình trạng này không được cải thiện, nguy cơ sẽ sa thải lao động sẽ diễn ra trên diện rộng. Trong khi đó, nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu cũng đánh giá, tình trạng thiếu đơn hàng của doanh nghiệp có thể sẽ kéo dài đến năm 2024, và đời sống của không ít công nhân lao động sẽ khó càng thêm khó.
Lao động được tư vấn giới thiệu việc làm tại phiên giao dịch việc làm tháng 5 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Theo thông tin của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, 5 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố đã giải quyết việc làm mới cho gần 86 nghìn lao động (đạt 52,9% kế hoạch giao trong năm). Tuy vậy, so với cùng kỳ năm 2022, khi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, con số này lại giảm gần 11 nghìn người.
Nguyên nhân được đánh giá là do sự tác động từ cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao… dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn. Bên cạnh đó, các ngân hàng thắt chặt giải ngân, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, do vậy trong 5 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, dẫn đến việc cắt giảm nhân công, giảm việc làm mới.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội dự báo, thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có thể kéo dài sang năm 2024, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ… Do đó, các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, cắt giảm nhân công.
Trong khi đó, nguy cơ sẽ có làn sóng sa thải người lao động tiếp diễn ở những tháng cuối năm 2023 là kết luận vừa được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội Đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đưa ra sau kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm.
Đáng chú ý, tỉ lệ doanh nghiệp ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%, tỉ lệ tạm ngừng kinh doanh là 12,4%. Chỉ có 13,5% doanh nghiệp cho biết sẽ giữ nguyên quy mô. Đây là con số đáng báo động và tương đồng với báo cáo của Tổng cục Thống kê khi 4 tháng đầu năm cả nước có có 77.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ 2022. Bình quân mỗi tháng có trên 19.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt là: Khó khăn về đơn hàng (59%); khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51%)…
Cũng chỉ cách đây ít ngày, trong báo cáo gửi Chính phủ về tình hình các đợt cắt giảm khoảng 8.000 lao động tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng dự báo trong thời gian tới, các vấn đề về kinh tế, lạm phát, giá năng lượng, xung đột Nga - Ukraine... không được cải thiện thì nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn sẽ tiếp tục diễn ra ở nhiều doanh nghiệp.
Ngày 26/5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản 3794/VPCP-KGVX gửi Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc xử lý thông tin báo chí nêu về lao động bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng. Theo đó, thông tin báo chí có nêu từ tháng 9/2022 cho đến tháng 3/2023, đã có 560 nghìn người lao động bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm đơn hàng. Trong đó có đến 55 nghìn lao động ra khỏi khu vực lao động (chấm dứt hợp đồng). Bên cạnh những giải pháp tình thế, những chính sách dài hạn là rất cần thiết trong hỗ trợ người lao động. Do đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất chính sách trước mắt và lâu dài để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng.
Trước tình trạng thiếu đơn hàng đang ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm nghìn lao động, bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, cần nhanh chóng có các chính sách hỗ trợ người lao động. Bà Hà cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có kiến nghị về giải pháp, ví dụ như gia hạn các chính sách để hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động như một gói hỗ trợ của Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Cùng với đó là kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp.
"Có thể áp dụng một số giải pháp khác như tạm ngừng đóng quỹ hưu trí tử tuất, hỗ trợ trong công tác đào tạo bồi dưỡng và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để trả lương trong thời gian người lao động phải ngừng việc, hoặc cho vay để doanh nghiệp phục hồi sản xuất… Về phía người lao động, chúng tôi kiến nghị hỗ trợ cho người lao động thuộc nhóm đối tượng đang phải tạm hoãn lao động, đang phải ngừng việc hoặc phải chấm dứt hợp đồng lao động", bà Hà cho biết.
Đồng quan điểm về việc cần có các chính sách hỗ trợ người lao động, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng xây dựng các giải pháp hỗ trợ lao động bị mất việc, thiếu việc do doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng. Cùng với đó, cần triển khai hiệu quả công cụ bảo hiểm thất nghiệp trong hỗ trợ lao động mất việc làm. Bảo hiểm thất nghiệp sẽ là "bà đỡ" cho không ít lao động trong bối cảnh khó khăn này.
"Bên cạnh hỗ trợ lao động bị mất việc, thiếu việc, rất cần phải có sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp có khỏe thì mới tạo được việc làm cho người lao động. Để thị trường lao động sớm ổn định, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải nâng cao năng lực dự báo, tăng cường giải pháp kết nối cung - cầu lao động, giới thiệu việc làm", TS Nguyễn Thị Lan Hương khuyến nghị.
Nguồn: Cand.com.vn