Doanh nghiệp tiếp tục mất đơn hàng nếu không “xanh hóa” kịp thời
Ông Nguyễn Huy, chuyên gia đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn phát triển bền vững (PTBV) Tập đoàn Intertek cho biết, là một trong những tổ chức lớn nhất ở Việt Nam về kiểm định, đánh giá các tiêu chuẩn về phát PTBV, Intertek nhận thấy trong thời gian gần đây, đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, da giày... giảm mạnh so với trước. Số liệu này thông qua việc DN đăng ký đánh giá tiêu chuẩn về môi trường.
Từ sau dịch COVID -19, DN các ngành hàng đang bị khủng hoảng kép, vừa thiếu đơn hàng vừa không PTBV.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC chia sẻ, cách đây 2 tháng trong buổi họp với 20 hiệp hội ngành hàng lớn của Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội dệt may cũng than thở, DN dệt may vẫn chưa có đơn hàng của quý III, quý IV. Về vấn đề này có hai luồng ý kiến. Thứ nhất, đó là do khó khăn chung kinh tế thế giới, nhưng cũng có ý kiến vì sao Bangladesh đơn hàng nhận không hết. “Sau đó, tôi về tìm tài liệu và được biết là họ đã làm tiêu chuẩn xanh rất chặt chẽ. Trong khi đó, hiện nay ngành dệt may, da giày của chúng ta chưa có nhà máy nào đạt tiêu chuẩn xanh”, bà Hạnh nói.
Phát triển kinh tế xanh hiện đang trở thành xu hướng tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế. Ngành dệt may, da giày, trong thời gian qua ngoài việc đối mặt với khó khăn giảm đơn hàng tại các thị trường NK lớn, thì các thị trường này cũng liên tục đưa ra các tiêu chuẩn xanh về lao động, nguyên vật liệu, điều kiện sản xuất và những yêu cầu sau càng nghiêm ngặt hơn yêu cầu trước. Trong khi đó, ngành dệt may, da giày đang gia công, sử dụng rất nhiều nguồn lực lao động, tài nguyên, nên việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh là một thách thức lớn của DN.
Để XK lâu dài sang thị trường khó tính, DN cần xây dựng mục tiêu cụ thể trong chiến lược kinh doanh có tính đến giảm phát thải carbon. Theo đó, cần tăng cường sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, nguyên liệu tái chế, thiết kế sản phẩm theo hướng tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng... Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong hoạt động sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chú trọng xây dựng bộ máy quản lý, giám sát và tuân thủ quy định về giảm phát thải khí nhà kính. Theo đánh giá của ông Nguyễn Huy, Việt Nam đang đi chậm so với các nước trên trong PTBV và hậu quả thấy rõ ở ngành may mặc. Đây là vấn đề sống còn nên DN cần chú trọng.
Ông Nguyễn Văn Viện, Trưởng phòng đánh giá chứng nhận và môi trường Tập đoàn Intertek cũng cho rằng, muốn PTBV trước tiên DN phải tồn tại, nhưng khó khăn là trong giai đoạn này hàng loạt DN ở Việt Nam rơi vào cảnh phải tìm kiếm từng đơn hàng, thậm chí phá sản. Theo ông Viện, các quốc gia phát triển, các nhãn hàng cam kết tại COP26 đến năm 2030 đạt giảm phát thải nhà kính 50%, đến năm 2050 là bằng 0.
Khi các nhãn hàng hướng đến các mục tiêu PTBV, DN Việt Nam bây giờ mới xây dựng chương trình về môi trường, PTBV. Điển hình như Ấn Độ làm PTBV từ năm 2015, Bangladesh làm từ năm 2018 và đến nay Bangladesh có hơn 30% DN dệt may, các công ty gia công đạt được chứng nhận nhà xưởng xanh, hơn 50% có các chứng nhận liên quan đến hệ thống xanh bền vững và thẩm định khí thải nhà kính, thẩm định khí thải ở cấp độ 3.
Trong khi đó, ở Việt Nam riêng thẩm định khí thải nhà kính còn đang còn nằm trên giấy, chờ đến năm 2050 mới có Nghị định hướng dẫn. Chúng ta gần như đang chờ cơ chế, nhưng đơn hàng thì không thể chờ.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Việt Nam cam kết đến năm 2050 đưa phát thải khí nhà kính bằng 0, DN đừng ngộ nhận còn nhiều thời gian để thực hiện. Thế giới đã đặt vấn đề, ngành may, da giày chịu hệ quả. Do đó, DN cần chủ động, cố gắng làm PTBV.
Nguồn: Cand.com.vn