Sản xuất cầm chừng, xuất khẩu suy giảm
Tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” được Bộ Công thương tổ chức mới đây, khi đánh giá về tình hình xuất khẩu quý I/2023 và những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ và các bộ, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quý I, sản xuất và xuất khẩu đều suy giảm.
|
Khó khăn về đơn hàng, giá nhiên liệu tăng cao... khiến xuất khẩu ngành dệt may lao dốc. |
Minh chứng cho điều này, thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, kết quả xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2023 đều ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, giảm 15,4%. Xuất khẩu, nhập khẩu giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI.
Trong đó, đáng lưu ý, một số ngành hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm như ngành hàng điện tử, máy tính: Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 12,2%; điện tử, máy vi tính và linh kiện đạt 12 tỷ USD, giảm 9,3%. Xuất khẩu hàng may mặc đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,7%; xơ sợi dệt đạt 941 triệu USD, giảm 35%...
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất. Dự báo, xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh.
Sự suy giảm của xuất khẩu trong quý I được ngành Công thương đánh giá là do chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, chi phí nhân công, bao bì, vận chuyển…thời gian qua cũng tăng cao.
Mặt khác, tuy Việt Nam đã ký nhiều FTA nhằm thuận lợi hóa thương mại để thúc đẩy sản xuất trong nước, nhưng nhiều rào cản kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu tạo ra rào cản lớn cho doanh nghiệp Việt. Một số ngành hàng như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa được nhận định là phải đối mặt với áp lực lớn nhất.
Cũng theo Cục xuất nhập khẩu, hiện nhiều doanh nghiệp đang đau đầu với bài toán về nguồn nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu, nhất là một số ngành xuất khẩu chủ lực như gỗ, thuỷ sản, nông sản.
Khơi thông dòng tiền hỗ trợ doanh nghiệp
Trước những khó khăn nêu trên, để phát triển sản xuất, gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về dòng vốn. Theo ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều doanh nghiệp mong muốn có gói vay ưu đãi lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, góp phần giảm áp lực tài chính trong giai đoạn khó khăn. Đối với gói vay này, ngân hàng có thể áp dụng cho những doanh nghiệp có phương án trả nợ tốt, chấp hành đúng và đã hoàn trả xong khoản vay trước.
Xuất khẩu sang Mỹ, EU giảm mạnh nhất
Theo đánh giá của Bộ Công thương, nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là do yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu.
Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng là khác nhau. Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU, như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản bị sụt giảm nhiều nhất; trong khi đó, các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều,...ít chịu tác động hơn.
|
Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, trong quý I, việc xuất khẩu giảm khiến dòng tiền chậm về, trong khi nguồn vốn tín dụng hạn hẹp khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không có nguồn vốn xoay vòng để mua nguyên liệu đúng thời hạn, đúng giá cho nông dân, ngư dân. Khiến họ hạn chế mở rộng sản xuất. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, cần giảm lãi suất vay USD để dòng tiền hỗ trợ không bị nghẽn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý để nông dân, ngư dân duy trì việc sản xuất.
Đối với mặt hàng có giá xuất khẩu tăng như gạo, các doanh nghiệp cũng gặp khó. Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các doanh nghiệp trong ngành chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa với nguồn tài chính hạn chế và thường thiếu vốn để thu mua lúa gạo. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế chính sách tín dụng cho ngành gạo.
Một khía cạnh khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu; trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU - những thị trường đã có Hiệp định thương mại song phương với Việt Nam.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, còn doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu tìm hiểu các ưu đãi thị trường (thuế, hạn ngạch…), tìm hiểu đối tác để hợp tác, kinh doanh; chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, nâng cao kỹ năng quản lý xuất xứ hàng hóa, quản lý nguyên liệu đầu vào để gia tăng ưu đãi./.
Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn